Báo Pháp luật Việt Nam công bố 10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2016

(PLO) - Kết thúc năm 2016, theo thông lệ, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức bình chọn và công bố các sự kiện pháp luật nổi bật của năm. Các sự kiện  đã được đăng công khai trên các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam để lấy ý kiến bạn đọc trên phạm vi cả nước, sau đó Hội đồng bình chọn gồm các chuyên gia, nhà khoa học, luật sư, nhà báo có uy tín đã làm việc nghiêm túc, tiếp thu ý kiến đóng góp, đề xuất của độc giả chọn ra 10 sự kiện pháp luật nổi bật của năm 2016.
Hội đồng bình chọn 10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2016.
Hội đồng bình chọn 10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2016.

Sau đây là 10 sự kiện pháp luật nổi bật năm 2016, Báo Pháp luật Việt Nam bình chọn và xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 

1. Sau thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhiều Nghị quyết quan trọng đã được Trung ương ban hành nhằm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… Sự quyết tâm của Đảng đã tạo chuyển biến quan trọng trong nhận thức cũng như trong hành động của toàn bộ hệ thống chính trị, từ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức tới mọi người dân. 

Đoàn Chủ tịch tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng
Đoàn Chủ tịch tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

2. Quốc hội tiếp tục đổi mới hình thức và nâng cao hiệu quả công tác chất vấn: Khác với những kỳ họp trước, từ Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV không chọn một Bộ trưởng, Trưởng ngành, mà chọn nhóm vấn đề để chất vấn. Như vậy, đã có sự phối hợp trách nhiệm trong việc giải quyết công việc và có liên quan đến việc phối hợp trả lời chất vấn của các Bộ trưởng cũng như các thành viên Chính phủ.

Phiên chất vấn của Quốc hội đã làm hài lòng cử tri cả nước
Phiên chất vấn của Quốc hội đã làm hài lòng cử tri cả nước

3. Chính phủ nhiệm kỳ mới hành động quyết liệt vì mục tiêu xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp tạo nên động lực mới cho toàn xã hội. Lần đầu tiên, riêng trong năm 2016, đã có hơn 100 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới theo Luật Doanh nghiệp, tăng 16% về số lượng và 48% về vốn đăng ký so với cùng kỳ 2015, thể hiện sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp với các quyết sách mới của Chính phủ. 

Người dân đang rất tin tưởng vào Chính phủ nhiệm kỳ mới
Người dân đang rất tin tưởng vào Chính phủ nhiệm kỳ mới
4. Việt Nam tích cực hội nhập quốc tế về kinh tế, pháp luật và tư pháp: Tháng 2/2016, Việt Nam đã cùng 11 nước ký kết để xác thực lời văn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tại Aucland, New Zealand. Sau khi ký chính thức, các nước sẽ tiến hành thủ tục phê chuẩn hiệp định theo quy định của pháp luật mỗi nước. TPP được đánh giá là một hiệp định mang tính bước ngoặt của thế kỷ XXI, tạo ra một tiêu chuẩn mới cho thương mại toàn cầu. Cùng với việc gia nhập TPP, ký kết Hiệp định thương mại với EU, tháng 11/2016, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO). Cũng trong năm 2016, một dấu ấn quan trọng trong hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật là Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao trúng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế, thể hiện sự tham gia tích cực của Việt Nam tại các diễn đàn pháp lý quốc tế.
5. Chính phủ chuyển hướng chiến lược từ xây dựng sang hoàn thiện pháp luật, gắn với tổ chức thi hành pháp luật: Năm 2016 một loạt các bộ luật mới có hiệu lực thi hành, tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân và doanh nghiệp như: Bộ luật Tố tụng Dân sự (Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do “chưa có điều luật để áp dụng”), Luật Hộ tịch (cấp mã số định danh cá nhân), Luật Căn cước (cấp thẻ căn cước công dân); Luật Đấu giá tài sản khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản; đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan…
 

6. Formosa xả thải gây ô nhiễm môi trường và bài học về sự phát triển bền vững: Sự cố môi trường do Nhà máy Thép Formosa gây ra đối với các tỉnh miền Trung không chỉ gây thiệt hại cho môi trường biển, ngành thủy sản nói riêng, nông nghiệp nói chung mà còn là bài học sâu sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Từ sự cố này, Chính phủ Việt Nam đã kiên quyết phát đi thông điệp không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển, đồng thời là tiếng chuông cảnh báo đối với các doanh nghiệp về sự phát triển bền vững và ý thức bảo vệ môi trường. 

7. Luật hóa việc xây dựng và ban hành quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo: Năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, nêu cao trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp và nghĩa vụ công dân, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động tác nghiệp của người làm báo. Cũng trong năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã quyết liệt trong việc xử lý, chấn chỉnh các sai phạm trong hoạt động báo chí nhằm tạo một môi trường báo chí trong sạch và lành mạnh. 

8. Kiên quyết chống hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế: Năm 2016, 2 công dân ở thành phố Hồ Chí Minh, một người bị khởi tố vì  chưa có Giấy phép kinh doanh sau 5 ngày khai trương quán cà phê “Xin Chào” và một bị dọa khởi tố vì “mua bán điện thoại cùi bắp” khiến dư luận dậy sóng. Ngay sau khi có thông tin dư luận phản ánh, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan tư pháp Trung ương đã vào cuộc, kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm những cá nhân, đơn vị vi phạm, trả lại môi trường kinh doanh tự do, lành mạnh cho người dân và doanh nghiệp. 

9. Nhiều sai phạm và bài học đặt ra trong công tác tổ chức cán bộ:  Hàng loạt lùm xùm trong quy trình bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt cán bộ gây dư luận trái chiều được phản ánh trên các diễn đàn trong năm 2016 đặt ra câu hỏi lớn đối với công tác tổ chức cán bộ. Sự vào cuộc tích cực của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và xử lý nghiêm khắc các cá nhân vi phạm một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị của Đảng ta trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và làm trong sạch bộ máy.

10. Nhiều vụ án oan được nghiêm túc xem xét lại: Tiếp theo các vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, việc tử từ “xuyên thế kỷ” Trần Văn Thêm và mới đây là vụ tử từ Hàn Đức Long được minh oan một lần nữa khẳng định thái độ nghiêm túc, khách quan nhìn nhận lại những khiếm khuyết trong quá trình tố tụng của các cơ quan tư pháp theo tinh thần cải cách tư pháp, bảo vệ nhân quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân. Đây cũng là những bài học nghiêm khắc cho các cơ quan tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

 

Đọc thêm