Biến cam kết thành hành động để trẻ em không bị bỏ lại phía sau

(PLVN) - Đây là lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về trẻ em tại Lễ kỷ niệm 30 năm Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em diễn ra vào tối 16/11 tại Hà Nội.

Lễ kỷ niệm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Việt Nam tổ chức với sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em; Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers và đại diện nhiều bộ, ngành, các tổ chức hoạt động vì trẻ em cùng 200 em nhỏ đại diện cho hơn 26 triệu trẻ em trong cả nước.

Suốt 3 thập kỷ qua, những cam kết chính trị cũng như sự lãnh đạo mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam trong việc thực hiện quyền trẻ em đã giúp cải thiện cuộc sống cho hàng triệu trẻ em trên đất nước. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi tử vong đã giảm 3/4. Hơn 7 triệu trẻ em đã được tiêm chủng và tỷ lệ tiêm chủng cao đã giúp thanh toán bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh và kiểm soát được bệnh sởi. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi giảm một nửa… Các lĩnh vực như nước sạch và vệ sinh môi trường cho trẻ em cũng đạt được nhiều tiến bộ đáng kể.

Khai trương Thư viện Tìm hiểu Công ước về quyền trẻ em tại Cung Thiếu nhi Hà Nội
Khai trương Thư viện Tìm hiểu Công ước về quyền trẻ em tại Cung Thiếu nhi Hà Nội

Các bà mẹ đang đi làm cũng có được các điều kiện tốt hơn để chăm sóc con nhỏ. Bộ luật Lao động năm 2012 đã nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, thay vì 4 tháng như trước đây. Điều này đã tạo điều kiện cho các bà mẹ có thể nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời. 

Chính phủ ủng hộ việc tăng cường nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ thông qua việc ban hành Nghị định 100/2014/NĐCP về kinh doanh và sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Nghị định này đã hạn chế việc quảng cáo và tiếp thị các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ nhỏ.

Về giáo dục, cơ hội được học hết tiểu học của trẻ em trai cũng như gái đã thành hiện thực đối với phần lớn trẻ em Việt Nam ngày nay. Với 95% trẻ em nhập học đúng tuổi, Việt Nam đã đạt mốc phổ cập tiểu học.

Về hành lang pháp lý, Hiến pháp năm 2013 là một bước tiến bộ về bảo đảm quyền trẻ em với một chương quy định về quyền con người và các điều khoản cụ thể về quyền trẻ em. Tiếp theo các điều khoản trong Hiến pháp, Luật Trẻ em năm 2016 đã đưa ra một khung pháp lý nền tảng nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền cho mọi trẻ em với các điều khoản phù hợp hơn với Công ước về quyền trẻ em.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi hành động mạnh mẽ, khẩn trương vì trẻ em
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung kêu gọi hành động mạnh mẽ, khẩn trương vì trẻ em 

Trước những thành tựu đạt được trên đây, phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tự hào cho biết: Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Đây là bản Công ước về quyền con người tiến bộ nhất và có đông quốc gia thành viên nhất với 196 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Nhấn mạnh về việc trong 30 năm qua những điều được quy định trong Công ước về quyền trẻ em vẫn vẹn nguyên giá trị thực tiễn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu rõ: Dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể thì Trung ương, các địa phương cần lưu ý những thách thức đang đặt ra như kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; đô thị hóa và di cư; cách mạng công nghiệp 4.0 và sự phát triển của internet, mạng xã hội; biến đổi khí hậu, thiên tai, môi trường khắc nghiệt, suy giảm tài nguyên… 

Theo Bộ trưởng, trẻ em vừa thuộc về hiện tại vừa thuộc về tương lai nên trẻ em phải là những người đầu tiên được hưởng những thành quả của phát triển kinh tế - xã hội. “Hơn bao giờ hết, chúng ta cần biến những cam kết thành hành động khẩn trương, mạnh mẽ và ngay từ bây giờ để mỗi trẻ em không ai bị bỏ lại phía sau” - Bộ trưởng Dung kêu gọi.

Bà Rana Flowers mong muốn trẻ em Việt Nam được đem lại những điều tốt đẹp hơn nữa
 Bà Rana Flowers mong muốn trẻ em Việt Nam được đem lại những điều tốt đẹp hơn nữa

Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Rana Flowers ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em và đánh giá cao những bước tiến mà Việt Nam đã đạt được trong việc đem lại cuộc sống, lợi ích tốt đẹp cho trẻ em những năm qua.

Tuy nhiên, bà Flowers nhấn mạnh, hiện nay có nhiều vấn đề phát sinh trong cuộc sống đang ảnh hưởng đến việc thực hiện Công ước về Quyền trẻ em. Vì vậy, thời gian tới, không chỉ Nhà nước mà cả cộng đồng phải tích cực hành động để đem lại những điều tốt đẹp hơn nữa cho trẻ em Việt Nam.

Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu đã cùng phát động “Thắp sáng màu xanh vì quyền trẻ em” để bảo đảm các quyền của trẻ em được thực hiện.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu phát động “Thắp sáng màu xanh vì quyền trẻ em”
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu phát động “Thắp sáng màu xanh vì quyền trẻ em” 

Tại Hà Nội, trong các ngày 16 và 17/11 còn có các hoạt động kỷ niệm khác như triển lãm ảnh “Thắp sáng nụ cười Việt Nam”; khai trương Thư viện Tìm hiểu Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em (tại Cung Thiếu nhi Hà Nội); tổ chức sân chơi tìm hiểu về quyền trẻ em; hội thảo tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề mà trẻ em đang phải đối mặt…

Tại TP HCM, tòa tháp Landmark 81 - tòa nhà cao nhất Việt Nam, cũng đăng tải hình ảnh về những nụ cười trẻ em và cùng thắp sáng nhuộm xanh tòa nhà để ủng hộ quyền trẻ em kỷ niệm 30 năm Công ước về quyền trẻ em.

Đọc thêm