Bộ Thông tin và Truyền thông: Không yêu cầu doanh nghiệp nộp lại các giấy tờ đã cấp

(PLVN) - Đây là một trong những sáng kiến cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp được Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhằm nâng xếp hạng chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật (chỉ số B1) quý III/2019.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nghiêm túc nghiên cứu, rà soát các thủ tục hành chính trong các văn bản để đề xuất biện pháp, cách thức cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Bộ cũng tiến hành đánh giá thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ năm 2019 theo Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 2240/QĐ-BTTTT.

Cuối tháng 8/2019, Bộ ban hành Quyết định số 1388/QĐ-BTTTT về việc công bố thủ tục hành chính được sửa đổi, bổ sung lĩnh vực viễn thông và internet theo Thông tư số 06/2019/TT-BTTTT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên internet. Cụ thể, Bộ công bố sửa đổi, bổ sung 2 thủ tục hành chính gồm: Cấp, phân bổ địa chỉ IP (v4, v6) và Cấp, phân bổ số hiệu mạng; đảm bảo đúng quy trình, thủ tục và thời hạn công bố đã được quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-VPCP của Văn phòng Chính phủ về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính.

Các thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung này được công khai đầy đủ lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Hiện Bộ đang thực hiện rà soát bộ thủ tục hành chính (gồm 240 thủ tục hành chính) về tên thủ tục, mã số thủ tục và kết quả giải quyết thủ tục bảo đảm đúng thời hạn trước ngày 20/9/2019 theo yêu cầu của Văn phòng Chính phủ.

Thực hiện kế hoạch kiểm soát thủ tục hành chính của năm, quý III/2019, Bộ đã kiểm tra 3 đơn vị (Cục An toàn thông tin, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia, Cục Tin học hóa) và khảo sát 3 địa phương (An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang); khảo sát 8 doanh nghiệp tại Hà Nội và một số tổ chức, doanh nghiệp lĩnh vực bưu chính, viễn thông, báo chí, xuất bản, in và phát hành, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử… tại các địa phương. Đoàn kiểm tra sẽ tham mưu, đề xuất tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp cũng như các công chức, viên chức thực hiện thủ tục hành chính; nghiên cứu các phương án cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Riêng về các sáng kiến cải cách thủ tục hành chính rút ngắn thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, trong quý III, Bộ tiếp tục hoàn thiện 1 dự thảo thông tư có quy định về thủ tục hành chính. Đó là dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 23/2014/TT-BTTTT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản. Theo đó, có một số kiến nghị đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và 3 Sở Thông tin và Truyền thông xem xét cắt giảm và đơn giản hóa nhiều thành phần hồ sơ cũng như thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực này. Chẳng hạn, không yêu cầu doanh nghiệp, tổ chức nộp lại các giấy tời do Bộ, các cơ quan thuộc Bộ hoặc địa phương cấp; cách thức trao đổi thông tin, quy trình thực hiện thủ tục hành chính…

Bộ Thông tin và Truyền thông phản ánh, các nhiệm vụ về công tác kiểm soát thủ tục hành chính ngày càng nhiều, được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thường xuyên nhưng ngân sách và nhân lực thực hiện công tác này quá mỏng. Vì vậy, Bộ kiến nghị Bộ Tư pháp: phối hợp với Bộ Tài chính ban hành chính sách, hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí về theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xây dựng và triển khai thực hiện; phối hợp với Bộ Nội vụ nghiên cứu, đề xuất, bổ sung biên chế cho các bộ, ngành, địa phương kiện toàn công chức, viên chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan. Bộ cũng đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương để nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kinh nghiệm về thực thi, theo dõi thi hành pháp luật và thủ tục hành chính bảo đảm tính nghiêm minh, kịp thời, chính xác trong thực thi pháp luật nhằm nâng xếp hạng chỉ số B1. 

Đọc thêm