Bộ trưởng Lê Thành Long ghi nhận thành quả cải cách tư pháp tại Phú Yên

(PLO) -  Bộ trưởng Lê Thành Long đã ghi nhận những thành quả đã đạt được trong công tác cải cách tư pháp tại Phú Yên, các thiết chế bổ trợ tư pháp được củng cố và kiện toàn, chưa có vụ việc nào phải bồi thường, các vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực THADS chưa có. Đây là cố gắng của hệ thống cơ quan tố tụng, và các cơ quan tham gia trong quá trình cải cách tư pháp. 
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh việc cải cách tư pháp cần bám sát với yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh việc cải cách tư pháp cần bám sát với yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Thực hiện Kế hoạch số 05-KH/BCDDCCTPTWW ngày 2/6/2017 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về việc kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp tại các địa phương, ngày 11/9/2017, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương do đồng chí Lê Thành Long -  Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ủy viên Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp - làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các cấp ủy, chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên.

Tham dự buổi làm việc có đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên, đồng chí Hoàng Thanh Trà, Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện các cơ quan, ban ngành liên quan

Chú trọng cải cách tư pháp

Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp từ đầu năm 2016 đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 và triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó giao Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu việc mở lớp đào tạo nghề luật sư ở địa phương, công tác tuyên truyền về cải cách tư pháp được thực hiện thường xuyên; Công tác quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, nhận xét, đánh giá cán bộ tư pháp đã được thực hiện có nền nếp... 

Tuy nhiên, quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ tư pháp, cải cách tư pháp tại địa phương vẫn còn một số hạn chế. Việc chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan triển khai thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp còn một số khó khăn nhất định.

Trong hoạt động của TAND, cấp tỉnh và huyện đã chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa. Chất lượng xét xử của tòa án 2 cấp ngày càng được nâng cao, công tác xét xử lưu động nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được thực hiện tốt. 

Về hoạt động của Viện KSND, công tác quán triệt, thực hiện các quy định về cải cách tư pháp đã được chú trọng, triển khai đồng bộ các văn bản pháp luật mới về tư pháp; kiểm sát chặt chẽ việc khởi tố vụ án, bị can; chủ động nắm bắt các nguồn tin tố giác tội phạm để phối hợp với cơ quan điều tra xử lý... 

Về công tác điều tra, Cơ quan công an các cấp đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, chủ động nắm tình hình, phối hợp với các ngành chức năng tổ chức kiểm tra, xử lý và thực hiện tốt công tác tuyên truyền.

Về công tác thi hành án dân sự (THADS), Ban Chỉ đạo THADS các cấp đã tích cực chỉ đạo đẩy mạnh công tác trên địa bàn, tập trung thi hành án đối với những vụ việc lớn, phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khó thi hành.

Bên cạnh đó, công tác trợ giúp pháp lý và bổ trợ tư pháp cũng được quan tâm thực hiện chặt chẽ, kịp thời; các cơ quan chức năng của tỉnh đã triển khai các hoạt động kiểm tra, rà soát, tham mưu kiện toàn trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ

Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác cải cách tư pháp vẫn còn những hạn chế, khó khăn, nhất là vấn đề về nhân sự. Đơn cử, với ngành tòa án là thực trạng thiếu thẩm phán, có huyện suốt 10 tháng liền chỉ có 1 Chánh án và cũng là thẩm phán duy nhất tại tòa... 

Đối với ngành kiểm sát, số lượng kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp đại học hệ chính quy còn hạn chế do điều kiện khách quan, số lượng vụ việc phải theo dõi, giám sát còn nhiều nhưng nhân lực lại eo hẹp.

Đối với ngành công an, do tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, loại hình tội phạm công nghệ cao xuất hiện với nhiều thủ đoạn tinh vi, diễn biến khó lường. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trình độ của điều tra viên còn chưa theo kịp, cần phải trau dồi, đào tạo, bồi dưỡng thêm...

Hay như vấn đề về nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa dù đã được cải thiện nhưng thực tế vẫn chưa đạt yêu cầu. Theo số liệu, tỉnh Phú Yên có 22 luật sư, nhưng chỉ 50% trong số đó là hoạt động hiệu quả và có tham gia trợ giúp pháp lý. Với đội ngũ luật sư thiếu thốn như vậy thì đòi hỏi của việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa hay tham gia trợ giúp pháp lý cho đối tượng chính sách quả thực là vấn đề nan giải...

Để chủ động trong việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cải cách tư pháp, hàng năm, liên ngành tòa án, kiểm sát, công an hàng năm đều tổ chức họp rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng xét xử, tranh tụng, đảm bảo xét xử đúng người đúng tội, không gây oan sai. Bên cạnh đó, công tác giám định tư pháp đóng vai trò bổ trợ trong quá trình tố tụng cũng được quan tâm sát sao, bao gồm cả đạo đức của các cán bộ thực hiện công tác giám định.

Sau khi lắng nghe những ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Lê Thành Long đã ghi nhận những thành quả đã đạt được trong công tác cải cách tư pháp tại Phú Yên, các thiết chế bổ trợ tư pháp được củng cố và kiện toàn, chưa có vụ việc nào phải bồi thường, các vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực THADS chưa có. Đây là cố gắng của hệ thống cơ quan tố tụng, và các cơ quan tham gia trong quá trình cải cách tư pháp. 

Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh việc cải cách tư pháp cần bám sát với yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương; quá trình tố tụng cần nâng cao chất lượng, từ khâu điều tra, khởi tố cho đến xét xử cần đạt được kết quả cao hơn, ít án bị hủy, án sai.

Về những tồn tại và khó khăn thì không chỉ riêng Phú Yên, nhiều địa phương khác trên cả nước cũng gặp những vấn đề tương tự. Quan trọng là phải nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cách thức vận hành của hệ thống cần được cải thiện, hoàn chỉnh. Bộ trưởng Lê Thành Long cũng nhắc nhở Phú Yên cần quan tâm nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị, đạo đức nghề nghiệp; cần tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh xảy ra những sai phạm. Bên cạnh đó cần sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như Ban Nội chính.

Trong thời gian tới, ngành Tư pháp tỉnh Phú Yên cần tiếp tục tham mưu, triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước, Luật này liên quan trực tiếp đến các cơ quan tố tụng, hành chính, bởi chỉ cần mắc phải một sai sót nhỏ là phải bồi thường. 

Trước đó, sáng cùng ngày Bộ trưởng và Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Cục THADS, Sở Tư pháp và Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội Phú Yên.

Đọc thêm