Bộ trưởng Lê Thành Long lắng nghe tâm tư người Kiên Giang

(PLO) - Ngày 05/10, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long và Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 2 tỉnh Kiên Giang đã có buổi tiếp xúc, lắng nghe và trả lời ý kiến của đại biểu cử tri trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV tại xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đơn vị số 2 đã trao 3 phần cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hưng Yên.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang đơn vị số 2 đã trao 3 phần cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Hưng Yên.

Buổi tiếp xúc cử tri có đông đảo đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Kiên Giang cùng gần 100 đại biểu cử tri trên địa bàn tham dự.

Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc, vấn đề về nông nghiệp được khá nhiều cử tri quan tâm bày tỏ những kiến nghị. Đơn cử, cử tri Mai Văn Quyến (ngụ ấp Lô 3) cho biết, tình hình ngành nông nghiệp hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, thế nhưng người nông dân lại càng khó khăn hơn khi chịu sự bất cập giữa giá lúa quá thấp nhưng giá thành của vật tư nông nghiệp thì quá cao. Cử tri đề nghị Quốc hội và chính quyền địa phương, các sở, ban ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho người dân yên tâm sản xuất. 

Cùng quan điểm trên, cử tri Huỳnh Thị Lý (ngụ ấp Cái Nước) kiến nghị, Đảng và Nhà nước cần có chính sách bao tiêu giá nông sản đầu ra cho người dân, để người dân bớt khổ trước cảnh giá cả bấp bênh.

Ngoài ra, cử tri Lâm Hoàng Hạnh (ấp Xẻo Rô) mong muốn các vị ĐBQH thực hiện chương trình hành động đã đề ra trước đó của mình và giúp nhân dân ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, cử tri Hạnh cũng bày tỏ sự quan tâm của mình đến vấn đề an ninh quốc phòng của đất nước, vì theo ông: “An ninh - trật tự là có biện pháp đảm bảo trật tự giúp người dân chăm lo phát triển kinh tế”.

Về vấn đề giáo dục, cử tri Trương Văn Nhơn (ngụ ấp Bào Môn) kiến nghị ngành Giáo dục cần giảm tải chương trình học về kiến thức và trọng lượng sách tập học sinh phải mang theo. Cử tri Nhơn cho biết: “Nhiều học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 hàng ngày phải mang vác rất nhiều sách vở, có khi nặng đến 6-7kg. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển bình thường của trẻ” - ông Nhơn nói. Cử tri Nhơn cho biết thêm, thực trạng sinh viên ra trường không có việc làm vẫn còn khá phổ biến. Đặc biệt, có nhiều sinh viên học ngành sư phạm nhưng khi ra trường lại không được đi dạy mà phải chuyển sang làm những công việc khác không đúng chuyên ngành. Nhiều cử tri khác còn kiến nghị các vấn đề về giao thông, y tế...

Sau khi ghi nhận nhiều ý kiến của bà con cử tri, đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành có liên quan đã trả lời bà con cử tri ngay tại buổi tiếp xúc, rất nhiều ý kiến được cử tri đồng tình. Riêng góc độ địa phương, bà Lê Thị Hồng Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên đề nghị, lãnh đạo xã Hưng Yên cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình trong thời gian tới. Trong thời gian tới, huyện sẽ chỉ đạo xử lý triệt để những vấn đề mà bà con cử tri phản ánh trong khả năng của địa phương.

Thay mặt Đoàn ĐBQH đơn vị số 2 tỉnh Kiên Giang, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết đã ghi nhận và sẽ phản hồi những ý kiến đóng góp, tâm tư, nguyện vọng của bà con cử tri liên quan đến các vấn đề vĩ mô, chính sách các đối tượng thụ hưởng, bảo hiểm y tế, giao thông nông thôn, hàng giả, hàng nhái, thực phẩm bẩn, ghi nhận và phản ánh đến các cơ quan có liên quan cũng như tại kỳ họp của Quốc hội.

Bộ trưởng Lê Thành Long chia sẻ những quan ngại của bà con về vấn đề nông nghiệp trước tình hình biến đổi khí hậu cũng như những biến động trong nền kinh tế thị trường. Bên cạnh đó, về vấn đề biển Đông mà cử tri quan tâm Bộ trưởng cho biết: Quan điểm của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông là hòa bình, đa phương hóa, Việt Nam đã và đang thực hiện cách ứng xử này trên biển Đông. Việt Nam đủ sức mạnh để giữ các đảo và cũng có những đầu tư nhất định về quốc phòng - an ninh.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành Tư pháp còn thông tin rộng rãi cho bà con cử tri biết về  Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIV. Dự kiến sẽ diễn ra hơn 1 tháng, bắt đầu từ ngày 20/10 đến ngày 21/11 2016 kết thúc. Kỳ họp sẽ thông qua 4 dự án luật, 1 dự  thảo nghị quyết luật và cho ý kiến về 14 dự án luật. Đồng thời, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017; mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020…

Đặc biệt, Quốc hội sẽ trình bày báo cáo về các vấn đề kinh tế-xã hội và các vấn đề quan trọng khác của đất nước, như về tình hình biển Đông sau khi có phán quyết của Tòa trọng tài, đối sách của Việt Nam trong thời gian tới; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016... Trong đó, có nhiều phiên của kỳ họp sẽ được truyền hình trực tiếp, đặc biệt chất vấn các thành viên Chính phủ, những người có chức danh liên quan.

Qua buổi tiếp xúc cử tri, cử tri rất đồng tình những vấn đề mà Đoàn ĐBQH giải trình, trả lời. 

Đọc thêm