Bộ trưởng Tư pháp Vũ Đình Hòe từng được Bác Hồ tặng một đồng tiền vàng

(PLO) - Món quà “Đồng tiền bằng vàng” Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe vào năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc là một món quà như thế và đã được cố Bộ trưởng cùng gia đình trân quý trong một thời gian rất dài trước khi tặng lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh vào năm 2013
Bộ trưởng Vũ Đình Hòe (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) trong Chính phủ lâm thời (28.8.1945) - Ảnh tư liệu
Bộ trưởng Vũ Đình Hòe (hàng đầu, thứ 2 từ trái qua) trong Chính phủ lâm thời (28.8.1945) - Ảnh tư liệu

Kỷ vật của Bác Hồ (Kỳ 1): 

Lúc sinh thời, không chỉ quan tâm sâu sắc đến đồng bào và chiến sĩ cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn thể hiện tình cảm quý mến đối với nhân dân các nước anh em, bạn bè quốc tế. Người thường tặng những món quà nhỏ cho đồng bào, chiến sĩ và anh em, bạn bè quốc tế, chan chứa tình cảm của Người đối với người được tặng.

Nhân 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2017), Pháp luật 4 phương đã tìm lại những câu chuyện đằng sau những kỷ vật tặng phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh  hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh …

“Cha tôi thần tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh”

Ông Vũ Đình Hòe (1912-2011) quê ở Hải Dương, tốt nghiệp Viện Đại học Đông Dương. Ông là một trong những người thành lập Đảng Dân chủ vào tháng 6/1944, tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào ở Tuyên Quang tháng 8/1945, đại biểu Quốc hội khóa I vào năm 1946, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục từ tháng 8/1945 đến tháng 3/1946 và Bộ trưởng Bộ Tư pháp từ tháng 3/1946 đến năm 1960. 

Năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng đồng tiền vàng cho Bộ trưởng Vũ Đình Hòe. Đồng tiền vàng được phát hành lần đầu tiên vào tháng 7/1948 tại Sở đúc tiền ở Tuyên Quang và Chủ tịch Hồ Chí Minh làm quà tặng cho các Bộ trưởng trong Chính phủ.

Ngoài ra, đồng tiền vàng còn được Người làm quà tặng cho đồng bào Nam Bộ. Đồng Việt vàng ra đời có ý nghĩa rất quan trọng đánh dấu hệ thống tiền tệ độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. 

Trong hồi ký của cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe ghi rõ nguồn gốc của hiện vật giá trị này: “Vào năm 1950 hoặc 1951, Nhà nước ta thành lập Ngân hàng quốc gia và phát hành tiền giấy, có Kim bản vệ bảo đảm. Hồ Chủ tịch tặng cho mỗi Bộ trưởng một “Đồng Việt” bằng vàng, tượng trưng cho nền độc lập về tài chính của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa”.

Năm 2012 - 2013, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã sưu tầm được gần 40 hiện vật gốc, tài liệu, ảnh có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh; tổ chức sưu tầm sao chụp và tiếp nhận tài liệu từ các tổ chức, cá nhân; ghi hồi ký hơn 10 nhân chứng kể về kỷ niệm những lần gặp và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Cũng trong thời gian này, bà Nguyễn Thị Thường vợ cố Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe đã thực hiện nguyện vọng của chồng hiến tặng nhiều hiện vật, tài liệu gốc có liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh để bảo quản lâu dài và phát huy giá trị hiện vật như: Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe tháng 2.1948 (bản viết tay có bút tích chữ ký của Người); Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ông Vũ Đình Hòe, T.Ư Đảng Dân chủ tháng 8/1948 (bản gốc đánh máy có bút tích chữ ký của Người); Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Đình Hòe tháng 10.1948...

Trong khối tài liệu này, có những bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi riêng Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, khi thì cảm ơn việc nhận được những quả cam ngon của gia đình Bộ trưởng biếu, khi thì cảm thông chia sẻ việc tang quyến của gia đình Bộ trưởng..., cho thấy sự quan tâm đặc biệt thân tình giữa hai người. Đặc biệt, trong những hiện vật mà gia đình hiến tặng có đồng tiền vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng ông Vũ Đình Hòe tại chiến khu Việt Bắc năm 1948. 

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Thế Khôi - con trai cố GS. Vũ Đình Hòe - cho biết: “Cha tôi thần tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Khi biết Nguyễn Ái Quốc chính là người sáng lập Mặt trận Việt Minh, cha tôi đã theo Việt Minh và được Người trao trọng trách trong Chính phủ. Vì làm việc với Bác lâu năm nên Người đã trao tặng cha tôi một số tặng phẩm, thể hiện sự trân trọng của Người với cộng sự, như đồng tiền vàng do Ngân hàng Việt Nam đúc năm 1948, hay chiếc đồng hồ Thụy Sỹ khắc hình Người...

Những kỷ vật ấy luôn theo cha tôi cho đến khi ông từ giã cõi trần. Trước khi mất, cụ dặn: hai kỷ vật là đồng tiền vàng và đồng hồ, một cái trao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, một cái trao cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ở TP Hồ Chí Minh. Bởi Bác quê đất Bắc, nhưng ra đi cứu nước từ đất Nam, riêng cái đó đã là biểu tượng của sự thống nhất Bắc - Nam...”. Theo ông Vũ Thế Khôi: các kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng cho tư tưởng của Người, cần phải được lưu giữ và giới thiệu đến công chúng, vì thế, gia đình đã hiến tặng Bảo tàng.

Đồng tiền vàng Bác Hồ tặng Bộ trưởng Vũ Đình Hòe
Đồng tiền vàng Bác Hồ tặng Bộ trưởng Vũ Đình Hòe

Bộ trưởng “Tư pháp kháng chiến”

Nói thêm về Bộ trưởng Vũ Đình Hòe, theo thông tin từ bài viết của tác giả Nguyễn Xuân Tùng đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngành Tư pháp Việt Nam, ông Vũ Đình Hòe sinh ngày 1/6/1912 tại làng Do Lộ, Thanh Oai, Hà Đông trong một gia đình có truyền thống giáo dục. Ông là cháu 5 đời Cụ nghè Vũ Tông Phan, người đã được đặt tên cho một tuyến phố tại Hà Nội.  Ông tốt nghiệp Cử nhân luật tại Đại học Luật khoa Hà Nội khóa 2.

Sau đó ông chọn nghề dạy học tại các trường tư thục nổi tiếng là Thăng Long và Gia Long. Ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tham gia Hội Ánh sáng chống nạn nhà ổ chuột, tối tăm, thiếu vệ sinh, thiết kế mẫu nhà Ánh sáng từ tranh tre, nứa lá (sau này ứng dụng rất hiệu quả trên chiến khu Việt Bắc), tham gia phong trào truyền bá học quốc ngữ, diễn thuyết cổ động phong trào chống nạn mù chữ…

Vào một ngày cuối tháng 7/1945, Vũ Đình Hòe khởi hành lên Chiến khu, đó là một quyết định mà ông gọi là “Mộng đẹp của mọi thanh niên lập chí ngày đó”.  Sau tổng khởi nghĩa thành công, ngày 28/8/1945 tại Hà Nội, Ủy ban dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới. Để mở rộng hơn nữa khối đại đoàn kết dân tộc, nhiều ủy viên của Việt Minh đã rút lui để các nhân sĩ, trí thức ngoài Đảng, ngoài Việt Minh tham gia Chính phủ lâm thời.

Thành phần Chính phủ lâm thời có Bộ Quốc gia giáo dục, ông Vũ Đình Hòe giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục. Trên cương vị Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục, ông có nhiều công lao trong việc cải cách giáo dục, đẩy mạnh bình dân học vụ.

Ngày 6/1/1946 cuộc Tổng tuyển cử đã diễn ra thành công trên cả nước. Tính chung trên cả nước có 89% số cử tri đi bỏ phiếu và đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. Do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh không trúng cử đại biểu Quốc hội nên Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe được điều động sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong Chính phủ liên hiệp kháng chiến từ ngày 2/3/1946. Ông đã giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tư pháp suốt 15 năm sau đó, từ ngày 2/3/1946 đến ngày 15/7/1960.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp cùng với nhiều cơ quan khác của Trung ương và Chính phủ đã rời Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc để cùng cả nước tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.  

Vào cuối năm 1948, tại chiến khu Việt Bắc, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đã có bài viết về “Tư pháp kháng chiến” nhằm thống nhất nhận thức, động viên, thúc giục cán bộ tư pháp hòa mình vào cuộc kháng chiến của toàn dân tộc. Mở đầu, Bộ trưởng giải thích yêu cầu của cuộc kháng chiến là chiến tranh nhân dân, chiến tranh toàn diện, vì vậy, phải mở một mặt trận tư pháp, đánh giặc bằng khí giới tư pháp, trong việc xử án, bằng việc xử án.

Ông thúc giục mỗi cán bộ tư pháp phải xông pha nguy hiểm, chịu đựng cực khổ, có khi phải hi sinh tính mệnh để tranh giành với giặc công việc xử án cho dân bởi đó là tượng trưng chính quyền của ta một cách rõ rệt và nó làm cho nhân dân tin tưởng vào chính quyền cách mạng “có khi lại công nhiên mở phiên tòa ngay sát vị trí địch làm cho dân chúng hết sức khoái trá và tin tưởng ở Chính phủ”.

Tư pháp kháng chiến cũng đòi hỏi phải “sửa sang những bộ luật hiện hành để luật pháp của nước Việt Nam dân chủ phải thực sự bảo vệ quyền lợi của đại đa số nhân dân, quét sạch những di tích bóc lột của chủ nghĩa thực dân, bảo đảm cho người thợ Việt Nam một địa vị xứng đáng…”. Ông  cũng phê bình mạnh mẽ những cán bộ tư pháp chỉ vì lý do “vô tư” trong xét xử mà đứng ngoài tư tưởng kháng chiến, đứng ngoài cuộc kháng chiến của dân tộc…

Đọc thêm