Bộ Tư pháp chuẩn bị giải trình về công tác thẩm định

(PLVN) - Trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể của Bộ Tư pháp thì công tác thẩm định luôn được đặc biệt chú trọng, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của Bộ, ngành Tư pháp. 
Bộ Tư pháp chuẩn bị giải trình về công tác thẩm định

Tuy nhiên, để đáp ứng hơn nữa kỳ vọng của xã hội đối với công tác này thì cần có giải pháp khắc phục một số vướng mắc, bất cập và đây chính là một nội dung yêu cầu của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trong kế hoạch tổ chức phiên giải trình về công tác thẩm định.

Cùng với triển khai nghiêm túc các quy định liên quan của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 2410/QĐ-BTP về thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và dự án, dự thảo VBQPPL. Nhờ vậy, công tác thẩm định ngày càng đi vào nền nếp, có chất lượng hơn, góp phần nâng cao chất lượng đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản. 

Chỉ tính riêng kết quả năm 2018, báo cáo của Bộ Tư pháp cho biết, Bộ đã thẩm định 45 đề nghị, các Sở Tư pháp thẩm định 382 đề nghị xây dựng VBQPPL. Toàn ngành đã thẩm định 7.067 dự thảo VBQPPL, trong đó Bộ Tư pháp đã thẩm định 255 dự thảo; tổ chức pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định 731 dự thảo và 6.081 dự thảo do các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định. 

Chất lượng công tác thẩm định VBQPPL tiếp tục được nâng cao, chú trọng hơn vào tính khả thi của văn bản; kiên quyết loại bỏ các quy định về tổ chức bộ máy, chế độ, chính sách, phụ cấp đặc thù, thẩm quyền của các cơ quan trong trong quản lý ngành, lĩnh vực, tập trung vào điều kiện, thủ tục cấp phép, thủ tục hành chính... trong các dự thảo VBQPPL không phải là các văn bản chuyên ngành. Báo cáo thẩm định đã thể hiện rõ quan điểm về điều kiện trình các dự án, dự thảo VBQPPL, được các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đánh giá cao. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tư pháp nhìn nhận, công tác thẩm định của Bộ thời gian qua còn một số tồn tại, hạn chế như chất lượng các báo cáo thẩm định chưa đồng đều. Nội dung của một số báo cáo thẩm định còn hình thức, sơ sài, xuôi chiều, chưa thực sự mang tính phản biện đối với đề nghị xây dựng văn bản hay dự án, dự thảo văn bản; tiến độ thẩm định một số đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản còn chậm so với quy định.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là trong thời gian đầu triển khai thực hiện Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, một số bộ, ngành còn gặp khó khăn, lúng túng. Bên cạnh đó, Luật năm 2015 đã quy định bổ sung việc thẩm định đề nghị xây dựng văn bản nên khối lượng việc thẩm định của Bộ Tư pháp tăng gấp đôi so với trước đây, trong khi công chức trực tiếp làm công tác thẩm định còn thiếu so với khối lượng, tính chất công việc cần thực hiện...

Để có thể xem xét, đánh giá tình hình thực tiễn về công tác thẩm định, mới đây, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 2096/KH-UBPL14 tổ chức phiên giải trình về công tác thẩm định và việc tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định trong chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Không chỉ xem xét, đánh giá, Kế hoạch 2096 còn muốn xác định những vướng mắc, bất cập và trách nhiệm của các chủ thể trong từng giai đoạn, từ đó kiến nghị những giải pháp cần thiết trong tổ chức thực hiện, đồng thời đưa ra kiến nghị hoàn thiện quy trình xây dựng VBQPPL, phục vụ việc sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành VBQPPL.

Theo đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp chuẩn bị báo cáo, giải trình về các nội dung: Tình hình chung về việc tuân thủ quy định của pháp luật về việc chuẩn bị hồ sơ thẩm định (tính đầy đủ, chất lượng, thời hạn gửi) của các cơ quan chủ trì soạn thảo gửi Bộ Tư pháp để thẩm định, việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc vụ trong thời gian từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018).

Việc tuân thủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, yêu cầu thẩm định trong tổ chức thực hiện thẩm định dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết của Bộ Tư pháp, bao gồm cả việc thẩm định đối với các dự án do Bộ Tư pháp được giao chủ trì soạn thảo, việc trả lại hồ sơ cho cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện khi Bộ Tư pháp kết luận chưa đủ điều kiện trình Chính phủ, việc báo cáo ý kiến thẩm định tại phiên họp Chính phủ; Những vướng mắc, bất cập trong thực hiện, nguyên nhân và đề xuất kiến nghị, giải pháp để khắc phục.

Triển khai Kế hoạch số 2096, chiều 12/3, Bộ trưởng Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp nghe các đơn vị liên quan báo cáo về công tác chuẩn bị cho phiên giải trình. Bộ trưởng cho rằng, phiên giải trình sắp tới họp có thành phần đa dạng, nội dung quan trọng, đi sâu vào chuyên môn nên các đơn vị cần khẩn trương, tích cực chuẩn bị. Bộ trưởng cũng trực tiếp đưa ra một số chỉ đạo về việc xây dựng báo cáo về công tác thẩm định, kế hoạch chuẩn bị trong Bộ, các hoạt động cần xúc tiến, tổ chức… 

Đọc thêm