Bộ Tư pháp đứng thứ 2 về xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT

(PLO) - Bộ Thông tin và Truyền thông vừa công bố Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013. Theo Báo cáo này, Bộ Tư pháp đứng thứ 2 trong Bảng xếp hạng và trở thành Bộ có mức độ ứng dụng CNTT tăng liền nhiều bậc chỉ trong vòng 4 năm (2010 - 2013).
Biểu đồ tỉ lệ các Bộ, cơ quan ngang Bộ được đánh giá Tốt, Khá và Trung bình theo mức độ ứng dụng CNTT tổng thể giai đoạn  2010-2013
Biểu đồ tỉ lệ các Bộ, cơ quan ngang Bộ được đánh giá Tốt, Khá và Trung bình theo mức độ ứng dụng CNTT tổng thể giai đoạn 2010-2013
Bộ Tư pháp tăng gần 10 bậc trong 4 năm
Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, năm 2013, công tác khảo sát, đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước được thực hiện đối với 22 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 08 cơ quan thuộc Chính phủ và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. 
Mức độ triển khai ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước tiếp tục được đánh giá trên 5 nhóm tiêu chí là: Hạ tầng kỹ thuật CNTT, Triển khai ứng dụng CNTT; Công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; Cơ chế chính sách và quy định thúc đẩy ứng dụng CNTT và  Nhân lực và đầu tư cho ứng dụng CNTT. 
Trong đó, Triển khai ứng dụng CNTT được đánh giá theo 2 nhóm thành phần là ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước và Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp (cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang/cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước).
Kết quả xếp hạng về tổng thể đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ cho biết: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng thứ nhất với 795,05/1.000 điểm; Bộ Tư pháp đứng thứ 2 với 753/1.000 điểm. Nếu so với vị trí thứ 10 vào năm 2010, thứ 9 vào năm 2011 và thứ 8 vào năm 2012 thì năm 2013, Bộ Tư pháp đã tăng gần 10 bậc về mức độ ứng dụng công nghệ thông tin. 
Năm 2013, Ủy ban Dân tộc đứng cuối bảng với số điểm 464,37/1.000 điểm. Ở các phần xếp hạng theo tiêu chí thành phần về ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ giai đoạn 2010 - 2013; tiêu chí thành phần về ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ giai đoạn 2010 - 2013;  tiêu chí thành phần về Website/Portal (cung cấp thông tin, chức năng hỗ trợ người sử dụng và công tác quản lý) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ... Bộ Tư pháp đều được xếp ở thứ hạng cao. 
Đối với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bảng xếp hạng tổng thể mức độ ứng dụng CNTT cho thấy Đà Nẵng xếp vị trí thứ nhất với 864,78/1.000 điểm rồi mới đến Hà Nội với 827,55/1.000 điểm. Đứng cuối cùng là Sơn La với 298,33/1.000 điểm. 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng được quan tâm
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2013, công tác ứng dụng CNTT phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục được các cơ quan quan tâm triển khai; nhìn chung, mức độ ứng dụng CNTT tại các cơ quan tăng nhẹ so với năm 2012, tuy nhiên vẫn còn sự chênh lệch lớn giữa các đơn vị đứng đầu và các đơn vị đứng cuối.
Về cơ sở hạ tầng phục vụ ứng dụng CNTT, tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ nhìn chung đã đáp ứng được nhu cầu cho ứng dụng CNTT; tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tỉ lệ tỉnh/thành có mức độ đáp ứng từ khá trở lên đạt trên 90%, mặc dù vậy vẫn có sự chênh lệch giữa các quận, huyện trong cùng một tỉnh. 
Về mức độ ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành (ứng dụng nội bộ), so với năm 2012, tỉ lệ số Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đạt mức độ Tốt, Khá đều tăng nhẹ, số đơn vị đạt mức Trung bình giảm, tuy nhiên tỉ lệ số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở mức độ Trung bình vẫn còn cao (gần 80%). 
Việc ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng được nâng cao hiệu quả, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ngày càng tăng. Các cơ quan tiêu biểu có số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến lớn là: Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Thừa Thiên Huế, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Bạc Liêu.
Về công tác tổ chức đảm bảo an toàn thông tin và công tác xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNTT đều được các cơ quan quan tâm và có mức độ tăng trưởng đều đặn. Tuy nhiên, trong năm 2013 có sự suy giảm về nguồn nhân lực CNTT, tỉ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức độ đánh giá về nguồn nhân lực đạt mức Tốt chỉ đạt 33,3%, giảm 23% so với năm 2012, trong khi đó số tỉnh/thành đạt mức Trung bình là 30,2%, tăng gần 16% so với năm 2012.
Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho biết, Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2013 sẽ được gửi Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành về ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và phát triển Chính phủ điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính của Nhà nước.
Không đánh giá Bộ Quốc phòng, Bộ Công an
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, vì lý do an toàn an ninh riêng nên không đánh giá xếp hạng việc ứng dụng công nghệ thông tin đối với Văn phòng Chính phủ, không đánh giá xếp hạng tổng thể đối với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Đọc thêm