Bộ Tư pháp: Giữ trọng trách cải cách TTHC năm 2015

(PLO) - Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 08/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015, trong đó đề ra mục tiêu, tiến độ triển khai và giao trách nhiệm thực hiện cho các Bộ, ngành, nhất là Bộ Tư pháp.
Thủ tục hành chính phải được công khai, công bố kịp thời
Thủ tục hành chính phải được công khai, công bố kịp thời
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu năm 2015 phải đơn giản hóa và cắt giảm tối thiểu 25% chi phí tuân thủ đối với 13 nhóm thủ tục hành chính (TTHC), quy định liên quan (bao gồm nhóm TTHC, quy định liên quan đến xuất khẩu thủy sản từ giai đoạn nuôi trồng, khai thác, nhập khẩu nguyên liệu, chế biến đến xuất khẩu; nhóm thủ tục, quy định liên quan đến khám, chữa bệnh cho người dân; nhóm thủ tục, quy định liên quan đến tuyển sinh, đào tạo đại học và sau đại học; nhóm TTHC, quy định liên quan đến yêu cầu nộp bản sao giấy tờ có công chứng, chứng thực…); đồng thời 100% TTHC tại các cấp chính quyền được chuẩn hóa và kịp thời công bố, công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết TTHC.
Cùng với yêu cầu trách nhiệm của các Bộ, ngành, Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo về những khó khăn, vướng mắc, đề xuất kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai Kế hoạch; yêu cầu các Bộ, ngành nghiên cứu, xem xét lại phương án đơn giản hóa nếu không đạt mục tiêu đề ra.
Bộ Tư pháp cũng giữ vai trò chủ trì, phối hợp với Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, các Bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách đối với từng nhóm TTHC, quy định liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ và gửi các cơ quan chủ trì nghiên cứu tiếp thu, hoàn thiện phương án đơn giản hóa TTHC; chủ trì, phối hợp với Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC và các Bộ, ngành, địa phương xem xét, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch của Bộ, ngành, địa phương; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương tổ chức sơ kết việc thực hiện Kế hoạch, báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ khen thưởng hoặc chấn chỉnh các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt hoặc không thực hiện nghiêm túc Kế hoạch…
Ngoài ra, Bộ Tư pháp sẽ hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức báo cáo sơ kết tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015; hoàn thành công tác sơ kết việc thực hiện Kế hoạch trong quý I năm 2016 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Còn trong ngày hôm qua (13/1), Văn phòng Chính phủ đã ra Thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về công tác cải cách TTHC thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chỉ đạo bảo đảm công tác giải quyết TTHC thuộc lĩnh vực quản lý cho người dân; nghiêm túc thực hiện việc đánh giá tác động để bảo đảm chất lượng các TTHC khi ban hành; thường xuyên rà soát các quy định, TTHC, phát huy hiệu quả từ kênh thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân, loại bỏ những TTHC còn gây phiền hà, khó khăn. 
Ngoài ra, Bộ Tư pháp cần nghiên cứu việc áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết TTHC trong một số lĩnh vực, như đối với các thủ tục về cấp chứng chỉ hành nghề công chứng, luật sư...; nghiên cứu phương án phân cấp thực hiện TTHC theo hướng giảm số lượng TTHC thực hiện tại cấp Trung ương (hiện đang là 161 thủ tục) và cấp tỉnh (hiện đang là 209 thủ tục) để tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện, phấn đấu giảm 50% số TTHC thực hiện tại cấp Trung ương, tăng cường công tác kiểm tra việc giải quyết TTHC tại cấp cơ sở. 
Đặc biệt, cần tập trung rà soát, đơn giản hóa các TTHC về cấp phiếu lý lịch tư pháp, công chứng, giao dịch bảo đảm, tổ chức cán bộ… theo hướng giảm thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian thực hiện và công khai, minh bạch các TTHC để người dân dễ thực hiện. 
Đánh giá tác động của Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính
Phối hợp với Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID (GIG), Bộ Tư pháp vừa tổ chức Hội thảo kéo dài 3 ngày về Dự án Luật Ban hành quyết định hành chính (QĐHC). Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về khái niệm quyết định hành chính; phạm vi điều chỉnh của Dự án Luật; các nguyên tắc về hiệu lực của QĐHC; ủy quyền ban hành QĐHC; sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ QĐHC; điều kiện bảo đảm thi hành QĐHC.
Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia đã tiến hành làm việc nhóm để thảo luận về việc xác định các vấn đề dự kiến đánh giá tác động của Dự án Luật như: các loại QĐHC điều chỉnh trong Dự án luật; vấn đề về sự tham gia của người dân trong quá trình ban hành QĐHC; cơ chế kiểm soát tính hợp pháp của QĐHC và điều kiện bảo đảm thi hành QĐHC. Các kết quả của Hội thảo sẽ góp phần giúp cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu trong quá trình xây dựng Dự án Luật Ban hành QĐHC.

Đọc thêm