Bộ Tư pháp họp báo công tác Tư pháp quý I/2016

(PLO) - Được tổ chức hôm qua (8/4), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng kiêm Chánh Văn phòng, Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng.
Bộ Tư pháp họp báo công tác Tư pháp quý I/2016

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quý I vừa qua được Thứ trưởng Trần Tiến Dũng chia sẻ tại buổi họp báo là Bộ Tư pháp đã tích cực triển khai công tác xây dựng, góp ý thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngay từ đầu năm, góp phần nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ soạn thảo dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ cũng tiến hành kiểm tra 725 văn bản của các bộ, ngành, địa phương, bước đầu phát hiện 15 văn bản sai về nội dung, trong đó có 3 văn bản của bộ, cơ quan ngang bộ, 12 văn bản của địa phương và đã ra thông báo đối với các văn bản này.

Tại buổi họp báo, các phóng viên, biên tập viên cơ quan thông tấn, báo chí đặt nhiều câu hỏi đối với các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp như việc triển khai thi hành Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, kết quả thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh, kết nối cấp số định danh cá nhân, công tác bồi thường nhà nước, lợi ích khi thực hiện liên thông các thủ tục về công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất...

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã thẳng thắn trao đổi các vấn đề liên quan được nêu ra, cơ bản đáp ứng yêu cầu của các cơ quan truyền thông. Trong lĩnh vực hộ tịch, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm phần mềm đăng ký khai sinh, kết nối cấp số định danh cá nhân từ ngày 4/1/2016 tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An; chuẩn bị sơ kết 3 tháng triển khai thực hiện thí điểm phần mềm.

Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Nguyễn Công Khanh thông tin: Tính đến 9h15 ngày 8/4/2016, các cơ quan đăng ký hộ tịch tại các địa phương thí điểm đã đăng ký khai sinh cho 74.482 trẻ em, cấp số định danh cá nhân cho 71.353 trường hợp.

Việc thí điểm tương đối thuận lợi, thời gian đăng ký khai sinh, cấp số định danh cá nhân chỉ mất khoảng 1 phút. Tuy nhiên, có tình trạng sai sót khi nhập dữ liệu khai sinh, trong đó Hà Nội sai sót nhiều nhất với hơn 300 trường hợp, có trường hợp phải sang cả Bộ Công an hủy số định danh cá nhân, còn huyện Quế Phong — huyện vùng biên — lại chỉ có 2 trường hợp nhập sai.

Đối với vụ việc bồi thường oan sai cho ông Huỳnh Văn Nén, Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước Trần Việt Hưng khẳng định đã hỗ trợ ông Nén thực hiện các thủ tục pháp lý và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với TANDTC hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ yêu cầu bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho người bị oan.

Về việc thi trúng tuyển chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội của ông Lê Đình Vinh, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng cho biết: Khi đề án thi tuyển chức danh lãnh đạo do Bộ Nội vụ tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ được phê duyệt, Bộ Tư pháp sẽ rà soát các tiêu chuẩn, các điều kiện để đề xuất cách giải quyết trường hợp của ông Vinh đã thi tuyển thì sẽ như thế nào.

Thứ trưởng Dũng cũng khẳng định Bộ Tư pháp đã xác định phải có trách nhiệm với ông Vinh.

Đọc thêm