Bộ Tư pháp sẵn sàng ứng phó với 3 cấp độ của dịch bệnh Covid-19

(PLVN) - Để có thể ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh Covid-19, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Bộ Tư pháp vừa ban hành Kịch bản ứng phó với từng cấp độ của dịch tại Bộ.
Bộ Tư pháp kêu gọi chung tay phòng chống dịch Covid.
Bộ Tư pháp kêu gọi chung tay phòng chống dịch Covid.

Kịch bản này đã dự liệu các tình huống có thể xảy ra đối với 3 cấp độ của dịch bệnh Covid-19, từ đó chủ động nghiên cứu, chuẩn bị các giải pháp ứng phó kịp thời nhằm phát hiện (nếu có), ngăn chặn sự phát triển, lây lan của dịch bệnh.

Cụ thể, đối với cấp độ 1 - khi chưa có trường hợp nhiễm, nghi nhiễm bệnh, sẽ thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới, các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, chính quyền địa phương để kịp thời hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS), Cục THADS các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kịch bản ứng phó với các cấp độ của tình hình dịch bệnh tại trụ sở đơn vị và thực hiện các hoạt động phòng chống dịch khác; kiểm tra việc triển khai công tác phòng chống dịch tại cơ quan Bộ và các đơn vị trụ sở ngoài Bộ.

Trong giám sát, dự phòng, yêu cầu đo thân nhiệt tại trụ sở Bộ đối với cán bộ, công chức và cá nhân, tổ chức đến cơ quan Bộ. Trường hợp phát hiện người có kết quả thân nhiệt trên 37 độ thì yêu cầu thực hiện các bước phòng dịch bệnh tiếp theo; giám sát việc phun khử trùng, vệ sinh trụ sở cơ quan, việc trang bị đầy đủ cơ sở vật chất phòng dịch.

Riêng về công tác phối hợp ở tất cả 3 cấp độ dịch, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế để xử lý kịp thời từng tình huống. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chế độ làm việc trong tình huống khẩn cấp về dịch bệnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền…

Về truyền thông, đăng tải chỉ đạo của Bộ Tư pháp về phòng chống dịch bệnh trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Báo Pháp luật Việt Nam và qua tin nhắn điện thoai; rà soát, nắm bắt các thông tin về tình hình dịch bệnh tại cơ quan Bộ và các đơn vị trụ sở ngoài Bộ, kịp thời phản hồi, xử lý những thông tin sai, không chính xác, gây hoang mang trong cán bộ, công chức.

Đối với công tác hậu cần, bố trí phòng cách ly trong trường hợp phát hiện người có nguy cơ lây nhiễm tại cơ quan Bộ, nơi bàn giao cho cơ quan y tế đến làm thủ tục tiếp nhận; bố trí kinh phí kịp thời bổ sung các trang thiết bị, vật tư, thuốc cần thiết cho việc phòng chống lây nhiễm tại đơn vị…

Theo cấp độ 2 - khi có trường hợp nghi nhiễm hoặc tiếp xúc người đã nhiễm bệnh thì duy trì các hoạt động của cấp độ 1, đồng thời bổ sung, tăng mức độ của các hoạt động.

Chẳng hạn như chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị báo cáo về Ban Chỉ đạo của Bộ tình hình phòng chống dịch bệnh trước 16h hàng ngày và báo cáo nhanh qua điện thoại khi có sự việc phát sinh; chỉ đạo tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp trong giải quyết công việc; chỉ đạo tạm hoãn các cuộc họp, hội nghị, hội thảo tập trung đông người và các chuyến công tác địa phương, các chuyến đi công tác nước ngoài, đi nước ngoài về việc riêng.

Hay trong giám sát, dự phòng, sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan y tế để có biện pháp xử lý kịp thời theo quy định, triển khai các biện pháp khoanh vùng, phun khử trùng, xử lý triệt để ổ dịch, không để lan rộng trong trường hợp phát hiện đơn vị có cán bộ, công chức có biểu hiện nghi nhiễm hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm;

Thực hiện giám sát chặt chẽ quy trình cách ly cán bộ, công chức có biểu hiện nghi nhiễm hoặc tiếp xúc trong các trường hợp tự phân loại cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế; giám sát chặt chẽ việc tuân thủ các hạn chế về đi lại, di chuyển, tụ tập đông người.

Với công tác truyền thông, tăng cường tuyên truyền các khuyến cáo phòng chống dịch bệnh của Bộ Y tế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ và Báo Pháp luật Việt Nam; duy trì đường dây nóng tiếp nhận các thông tin về phòng chống dịch bệnh tại bộ phận y tế, Văn phòng Bộ.

Trường hợp dịch lan rộng, kéo dài, cơ quan Bộ và các đơn vị trụ sở ngoài Bộ cần rà soát số lượng và xây dựng kế hoạch dự trữ, bổ sung thuốc, vật tư, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch…

Bộ Tư pháp đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19.
Bộ Tư pháp đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19. 

Còn theo cấp độ 3 - khi có trường hợp nhiễm bệnh thì duy trì các hoạt động của cấp độ 1, 2, đồng thời bổ sung, tăng mức độ của các hoạt động.

Theo đó, Ban Chỉ đạo thường xuyên đánh giá nguy cơ dịch bệnh tại cơ quan Bộ, các đơn vị trụ sở ngoài Bộ để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp; tổ chức thực hiện chế độ làm việc trong tình huống khẩn cấp về dịch bệnh theo quyết định của cấp có thẩm quyền.

Về giám sát, dự phòng, báo ngay với cơ quan y tế khi phát hiện ca bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời; thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại cơ quan, đơn vị theo quy định; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cho cán bộ trực tiếp liên quan đến người bị nhiễm bệnh.

Ở cấp độ 3, Bộ sẽ cập nhật hàng giờ thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, Báo Pháp luật Việt Nam và các phương tiện truyền thông khác. Trường hợp cần thiết, phát hành thông cáo báo chí hoặc tổ chức họp báo để cung cấp thông tin và định hướng đưa tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh.

Trong công tác hậu cần, sẽ sử dụng, huy động mọi nguồn lực của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ để phòng chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ; huy động, bố trí nhà N2 hoặc N3 làm địa điểm cách ly tạm thời hoặc chưa bố trí được người bệnh đến cách ly tại cơ sở y tế trong trường hợp bùng phát dịch...

Đọc thêm