Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ

(PLVN) -Chiều 27/11, dưới sự chủ trì của Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp báo thường kỳ thông tin về các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.
Bộ Tư pháp tổ chức họp báo thường kỳ

Thông tin tại cuộc họp, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn cho biết thời gian vừa qua, bám sát các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thuộc chức năng, nhiệm vụ và đã đạt được một số kết quả chủ yếu trong các lĩnh vực, đặc biệt đã chủ trì, phối hợp tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng.

Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì cuộc họp báo.
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Nguyễn Quốc Hoàn chủ trì cuộc họp báo.

Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện và trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10 đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu Đảng bộ Bộ Tư pháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (là Đại hội điểm cấp trên cơ sở của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương)

Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao và Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải theo hình thức trực tuyến toàn quốc.

Tại Hà Nội, Đại hội Thi đua yêu nước Ngành Tư pháp lần thứ V giai đoạn 2015 - 2020 và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất đã được tổ chức thành công tốt đẹp. 

Và mới đây, ngày 24/11, Bộ Tư pháp đã phối hợp Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. 

Thời gian qua, các đơn vị của Bộ Tư pháp đã tập trung rà soát, trình Bộ trưởng ban hành nhiều quyết định chuẩn hóa các thủ tục hành chính (TTHC) trên các lĩnh vực quản lý của Bộ. Theo đó, đã chuẩn hóa và bãi bỏ tổng số 148 TTHC (gồm 92 thủ tục thuộc các lĩnh vực bổ trợ tư pháp - luật sư, tư vấn pháp luật, hòa giải thương mại, đấu giá tài sản...; 48 thủ tục thuộc lĩnh vực thi hành án dân sự, 06 thủ tục thuộc lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật). Ngày 13/11/2020, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Quyết định quy định về tổ chức đánh giá giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông của Bộ Tư pháp với mục đích lắng nghe ý kiến đánh giá của các nhân, tổ chức thực hiện TTHC để từ đó cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công của Bộ Tư pháp ngày càng tốt hơn.

Trên các lĩnh vực công tác: xây dựng, thẩm định, kiểm tra, xử lý, rà soát VBQPPL; thi hành án dân sự, hành chính; Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính; theo dõi thi hành pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; Về công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi; lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý; công tác pháp luật quốc tế và hợp tác quốc tế; đào tạo bồi dưỡng…đạt những kết quả tích cực.

Trong nhiều nhiệm vụ tới đây, Bộ Tư pháp cho biết, sẽ tổ chức việc tổng kết công tác tư pháp năm 2020, nhiệm kỳ 2015 -2020 và triển khai công tác năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021 - 2025. Tổ chức triển khai các nhiệm vụ công tác thi hành án dân sự năm 2021, bảo đảm thực hiện quyết liệt các mục tiêu, nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm công tác. Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, đăng ký biện pháp bảo đảm. Tích cực thực hiện các hoạt động hợp tác pháp luật song phương phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và các đối tác. 

Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương thông tin về Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật
Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương thông tin về Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật

Đặc biệt ngày 30/11 sẽ tổ chức Hội thảo khoa học cấp Quốc gia về “Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật - Thực tiễn vận dụng ở Việt Nam”.

Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia Hoàng Quốc Hùng trả lời tại cuộc họp báo.
Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia Hoàng Quốc Hùng trả lời tại cuộc họp báo.

Trả lời câu hỏi về tình trạng chậm cấp Phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP) tại cuộc họp báo, ông Hoàng Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Lý lịch Tư pháp Quốc gia cho biết, trước năm 2015 đây là vấn đề nan giải, khó khăn đặc biệt là cho những người ở nước ngoài muốn xin cấp phiếu LLTP (vì họ phải bắt buộc về Việt Nam xin cấp phiếu). Tuy nhiên từ năm 2015 đến nay, thực hiện Đề án thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua dịch vụ bưu chính, đăng ký cấp Phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, cơ bản tình trạng chậm cấp phiếu đã được giải quyết, chỉ còn khoảng 2% chậm với những trường hợp án chưa rõ, có án tích nhưng khó xác minh…. Thực hiện đề án cũng chấm dứt tình trạng người dân phải về Việt Nam xin cấp phiếu (vì đã được giải quyết qua bưu điện, qua tư vấn, qua tờ khai trên internet…). Và sắp tới ngành Tư pháp sẽ thực hiện nhiều giải pháp để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này.

Bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp nói về các giải pháp tránh "co cụm" các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn cấp huyện.
Bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp nói về các giải pháp tránh "co cụm" các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn cấp huyện.

Liên quan đến câu hỏi về những giải pháp mới theo Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19/11/2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng nhằm tránh “co cụm” nhiều tổ chức hành nghề công chứng trên cùng một địa bàn cấp huyện, bà Đặng Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp cho biết, Nghị quyết đã yêu cầu các địa phương rà soát, ban hành tiêu chí lập Văn phòng công chứng, phải đánh giá sự cần thiết của việc lập Văn phòng cũng như tính khả thi của việc lập Văn phòng. Việc thẩm tra thành lập phải được tiến hành chặt chẽ. Hiện Bộ Tư pháp đang xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết và tổ chức lấy ý kiến các đơn vị thuộc Bộ. 

Đọc thêm