Bộ Tư pháp xử lý hơn 61,43% văn bản sai về thẩm quyền và nội dung

(PLO) - Công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền tại Bộ Tư pháp ngày càng được đẩy mạnh, có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, một số văn bản có nội dung trái pháp luật chưa được phát hiện kịp thời hoặc đã phát hiện nhưng chưa được xử lý đúng hình thức và thời hạn xử lý theo quy định. Đó là những nội dung đáng chú ý vừa được Bộ Tư pháp báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo trong năm 2015, các bộ, ngành (bao gồm cả Bộ Tư pháp) và địa phương đã tự kiểm tra được 107.463 văn bản. Qua kiểm tra, đã phát hiện 561 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành, nội dung. Trong đó, 88 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trái pháp luật cả về thẩm quyền và nội dung; 149 văn bản QPPL trái pháp luật về thẩm quyền; 324 văn bản QPPL trái pháp luật về nội dung. 

Ngoài ra, có 1.452 văn bản QPPL sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản; 989 văn bản không phải là văn bản QPPL nhưng có chứa QPPL. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương đã xử lý xong 2.570 văn bản. Cụ thể, có 2.361 văn bản đã được xử lý theo quy định của pháp luật, còn lại đang được cơ quan ban hành nghiên cứu, xử lý. Số văn bản sai về kỹ thuật trình bày văn bản cũng đã được cơ quan ban hành xem xét, rút kinh nghiệm; .

Thống kê trong cả giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 2.679 văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ (Thông tư, Thông tư liên tịch và văn bản có chứa QPPL), 9.427 văn bản của địa phương; phát hiện 299 văn bản sai về nội dung, thẩm quyền ban hành, trong đó có 70 văn bản là văn bản của các bộ, ngành. Đến nay các bộ, ngành đã xử lý được 43/70 văn bản, đạt 61,43% tổng số văn bản sai về thẩm quyền và nội dung đã phát hiện. Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn phát hiện và kiến nghị xử lý một số văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quy định không phù hợp với quy định của pháp luật.

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng trong công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Nổi lên là một số văn bản có nội dung trái pháp luật chưa được phát hiện kịp thời hoặc đã phát hiện nhưng chưa được xử lý đúng hình thức và thời hạn xử lý theo quy định. 

Việc khắc phục hậu quả của văn bản trái pháp luật gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; việc xử lý trách nhiệm của cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật mới chỉ dừng ở mức phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm công chức khi thi hành công vụ; chưa có quy định cụ thể để thực hiện được các hình thức trách nhiệm nghiêm khắc hơn. Hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản với các hoạt động khác có liên quan trong chu trình xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành pháp luật thì chưa gắn kết chặt chẽ, hiệu quả.

Vì vậy, một trong những nhiệm vụ của năm 2016 là tập trung thực hiện công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền, nhất là các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh và kiểm tra văn bản theo các nguồn thông tin và tăng cường chỉ đạo, đôn đốc, theo dõi việc xử lý các văn bản trái pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.

Để hoàn thành nhiệm vụ này, Bộ Tư pháp mong muốn các bộ, ngành, địa phương xác định công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của mình; chú trọng công tác phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Bộ Tư pháp để Bộ Tư pháp thực hiện tốt chức năng giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL nói riêng và các chức năng, nhiệm vụ khác của Bộ, của ngành Tư pháp nói chung.

Đọc thêm