Các cơ quan tư pháp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổng kết thi đua

(PLO) - Hội nghị tổng kết công tác thi đua các cơ quan tư pháp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra tại Cần Thơ với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền và lãnh đạo các cơ quan tư pháp, thi hành án dân sự (THADS) các tỉnh, thành trong khu vực. 
Các cơ quan tư pháp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổng kết thi đua
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền đánh giá: năm 2014, ngành Tư pháp các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp, trong đó có công tác bổ trợ tư pháp, phổ biến giáo dục pháp luật… 
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý, công tác thi đua phải bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành, việc tổ chức thi đua phải gắn với triển khai Hiến pháp 2013;  công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cần phải dựa trên nhu cầu của người dân. 
Do đó, Thứ trưởng nhận thấy phong trào thi đua tại một số đơn vị còn có biểu hiện hình thức, chưa tự giác gắn với nhiệm vụ chính trị và công việc thường xuyên; việc phát hiện, nuôi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến chưa được quan tâm thực hiện. Công tác thi đua trong lĩnh vực THADS có nhiều cố gắng nhưng chưa bền vững, đội ngũ cán bộ công chức đã được kiện toàn nhưng chưa ngang tầm với nhiệm vụ mới. 
Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền yêu cầu ngay sau Hội nghị cơ quan tư pháp các tỉnh, thành trong khu vực cần nghiêm túc triển khai Luật Thi đua - Khen thưởng sửa đổi, bổ sung; quán triệt tư tưởng thi đua theo lời Bác Hồ dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, thiết thực gắn công tác thi đua với việc nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn. 
* Thứ trưởng Nguyễn Thúy Hiền kiểm tra việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở Cần Thơ. 
Trước đó, ngày 19/11, Đoàn kiểm tra liên ngành của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án về đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp ở cấp Trung ương về hoạt động giám định tư pháp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra công tác này tại TP.Cần Thơ. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Văn Tâm cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tham dự buổi làm việc. 
Báo cáo của UBND TP.Cần Thơ cho biết, thực hiện Đề án, lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã ban hành các quyết định và văn bản cần thiết để đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trên địa bàn. Kết quả cụ thể là trước khi có Đề án, thành phố có 63 giám định viên ở 7 lĩnh vực, đến nay số lượng giám định viên đã tăng lên 152, ở 11 lĩnh vực. 
Trước khi có Đề án, thành phố có 02 tổ chức giám định công lập đã được thành lập là Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế và Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an thành phố, sau khi có Đề án, thành phố đã thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Giám định Pháp y tâm thần. 
Tại buổi làm việc, lãnh đạo TP.Cần Thơ cũng phản ánh nhiều khó khăn phát sinh từ thực tiễn, đề nghị cấp Trung ương có giải pháp tháo gỡ như chế độ chi trả cho giám định viên, việc ban hành quy trình giám định trong một số lĩnh vực chưa kịp thời…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo TP.Cần Thơ đối với việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, đồng thời cho biết sẽ ghi nhận và phản ánh những kiến nghị của địa phương tới các cơ quan chức năng trong thời gian tới. 

Đọc thêm