Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp: Ngày càng bảo đảm chất lượng, tiến độ

(PLO) -Hôm nay - 25/12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu (điểm cầu Trung ương – điểm cầu chính và điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp: Ngày càng bảo đảm chất lượng, tiến độ

Đây là dịp để toàn Ngành nghiêm túc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, làm rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác tư pháp năm 2018.

Bộ Tư pháp đã phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với những vấn đề “nóng”

Năm 2017 mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực, ước đạt và vượt mức cả về 13/13 chỉ tiêu. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng kinh tế có bước đột phá, quý sau cao hơn quý trước và đang trên đà hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm.

Đối với công tác tư pháp, theo đánh giá của Bộ Tư pháp trong bối cảnh khối lượng công việc tăng, nhiều việc phát sinh ngoài kế hoạch, điều kiện về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và cấp uỷ, chính quyền các cấp, toàn Ngành đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, nhất là 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Báo cáo số 01/BC-BTP ngày 03/01/2017 của Bộ Tư pháp tổng kết công tác tư pháp năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác năm 2017 và 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu theo Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2017 và các chương trình, kế hoạch công tác khác.

Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ trưởng LĐTB &XH Đào Ngọc Dung tại Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác pháp luật giữa 2 Bộ giai đoạn 2018 -2022
Bộ trưởng Lê Thành Long, Bộ trưởng LĐTB &XH Đào Ngọc Dung tại Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác pháp luật giữa 2 Bộ giai đoạn 2018 -2022

Năm 2017, Bộ, ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp ngày càng bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm và hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Công tác chỉ đạo điều hành tiếp tục được đổi mới, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ; phản ứng kịp thời, hiệu quả đối với những vấn đề “nóng”, được dư luận đánh giá cao. Công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Ngành đạt nhiều kết quả như việc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 96/2017/NĐ-CP. Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Ngành đạt nhiều kết quả tích cực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng “nợ đọng” văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) được nâng lên rõ rệt. 

Công tác PBGDPL bước đầu có sự đổi mới, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong việc truyền tải pháp luật đến người dân. Thi hành án dân sự đạt kết quả cao, tiếp tục vượt chỉ tiêu cả về việc và về tiền. Công tác hành chính tư pháp, đặc biệt là triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024 và mở rộng áp dụng Phần mềm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, gắn với triển khai Luật Hộ tịch đạt nhiều kết quả quan trọng, phục vụ tốt nhu cầu của người dân. Việc tham gia ý kiến pháp lý đối với các vụ việc phát sinh trong đầu tư quốc tế được thực hiện kịp thời, có chất lượng; hợp tác quốc tế về pháp luật tạo được những dấu ấn quan trọng, nhất là trong quan hệ với các nước láng giềng. 

Thứ trưởng Trần Tiến Dũng làm việc với Cục THADS Hà Nội
Thứ trưởng Trần Tiến Dũng làm việc với Cục THADS Hà Nội

Đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật

Bên cạnh các kết quả nêu trên, Bộ Tư pháp cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác, đồng thời chỉ ra nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Năm 2018 Bộ Tư pháp xác định, một số nhiệm vụ trọng tâm, đó là tham mưu cho Chính phủ xây dựng và tổ chức thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018, 2019 trong đó trọng tâm là các dự án luật cần sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa các các Nghị quyết của Đảng tại Hội nghị lần thứ 5, thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và các chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách hành chính, cải cách tư pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thực hiện tốt công tác thẩm định đề nghị xây dựng văn bản, dự án, dự thảo VBQPPL, coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương. Chuẩn bị tốt công tác đánh giá tình hình triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013 để xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 6. 

 Đẩy mạnh công tác tổ chức thi hành pháp luật, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua; Tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; Hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ về thi hành án dân sự năm 2018; Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp, nhất là tổ chức các cơ quan tư pháp địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; Triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực tư pháp; Thực hiện tốt nhiệm vụ “đại diện pháp lý” cho Chính phủ trong các vụ kiện đầu tư quốc tế; tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp phòng ngừa khiếu kiện, tranh chấp đầu tư quốc tế; nâng cao vai trò và năng lực của cán bộ tư pháp địa phương trong xử lý các vấn đề pháp lý liên quan đến đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Lê Tiến Châu trao quà cho 4 sinh viên khóa 42 có thành tích cao trong kỳ thi tuyển sinh của Trường Đại học Luật Hà Nội
Thứ trưởng Lê Tiến Châu trao quà cho 4 sinh viên khóa 42 có thành tích cao trong kỳ thi tuyển sinh của Trường Đại học Luật Hà Nội

Triển khai thực hiện Đề án định hướng tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế về pháp luật của Bộ Tư pháp giai đoạn 2017-2021, chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với các đối tác truyền thống, nhất là với các nước láng giềng; chuyển từ tư duy “tham gia tích cực” sang “chủ động đóng góp xây dựng, định hình” thể chế pháp lý đa phương mà Việt Nam là thành viên.

Bên cạnh đó, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm và đề xuất các giải pháp phòng ngừa, hạn chế hành vi vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực tư pháp; Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm cải cách hành chính, đổi mới công tác quản lý chỉ đạo, điều hành, lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong các hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.

Cùng với việc xác định phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, Bộ Tư pháp cũng đưa ra nhiều giải pháp và các kiến nghị đề xuất nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2018.

Đọc thêm