Cách mạng công nghiệp 4.0 và tư duy xây dựng pháp luật

(PLVN) - Xây dựng pháp luật là một trong những mặt hoạt động đặc biệt quan trọng của mỗi nhà nước và mỗi cấp chính quyền (nhất là chính quyền trung ương). Đây là một chuỗi các hoạt động do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong mối quan hệ tương tác với các chủ thể có liên quan nhận diện vấn đề xã hội cần giải quyết, xác định phương án phản ứng chính sách, thiết kế quy phạm điều chỉnh hành vi của các chủ thể có liên quan và thông qua văn bản để cung cấp cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vấn đề xã hội (thông qua việc thay đổi hành vi gây ra vấn đề xã hội). 

 Xét ở khía cạnh chức năng, xây dựng pháp luật chính là việc nhà nước nhận diện vấn đề xã hội cần giải quyết và phản ứng lại bằng hành động ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ cách xử lý vấn đề. Ở góc độ của một quá trình ra quyết định, xây dựng pháp luật được hiểu là quá trình thu thập thông tin, dữ liệu về hiện thực xã hội cần có sự căn chỉnh, thiết kế giải pháp xử lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ở Việt Nam hiện nay, tùy theo vấn đề nhất định mà thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm xử lý vấn đề thuộc các cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong đạo luật quan trọng là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Theo đạo luật này, để ban hành một đạo luật từ khi có sáng kiến lập pháp (đề xuất xây dựng luật), cơ quan bảo trợ hoặc có sáng kiến lập pháp phải trải qua một quy trình khá phức tạp với nhiều bước khác nhau. Chẳng hạn, với các dự án luật do Chính phủ trình (đây là loại dự án luật phổ biến nhất trong thực tế), mỗi dự án luật đều phải trải qua quy trình 2 giai đoạn: giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật và giai đoạn soạn thảo, trình xem xét, thông qua dự án luật. Chỉ riêng ở giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật (nhằm xác định được rõ các chính sách mà dự án luật theo đuổi) đã bao gồm những bước cơ bản sau: Xây dựng nội dung chính sách (trong đề nghị xây dựng luật); Đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật; Xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng luật; Lấy ý kiến về đề nghị xây dựng luật; Thẩm định đề nghị xây dựng luật; Trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng luật.

Bộ Tư pháp công bố Website Hội thảo khoa học cấp quốc gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
Bộ Tư pháp công bố Website Hội thảo khoa học cấp quốc gia Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và những vấn đề pháp lý đặt ra cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam
Nếu được Chính phủ quyết định trình dự án luật, dự án luật thường sẽ trải qua 2 lần xem xét, thảo luận tại Quốc hội trước khi chính thức được bấm nút thông qua. Thông thường, để chạy hết các quy trình kể trên, một dự án luật thường mất ít nhất 18 tháng nhưng thực tế, chuyện một dự án luật từ lúc xây dựng đến lúc thông qua mất khoảng 2-3 năm là bình thường. Có không ít trường hợp, từ khi khởi thảo tới lúc thông qua còn mất nhiều thời gian hơn nữa.

Thực tế ấy cho thấy, dùng luật để xác lập các quy tắc pháp lý xử lý các vấn đề mới phát sinh từ việc ứng dụng các công nghệ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một thách thức. Có thể thực tiễn cuộc sống sẽ diễn biến nhanh hơn rất nhiều khả năng đáp ứng của quy trình xây dựng luật hiện tại. Điều này cho thấy, việc tiếp tục tìm các giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa hoạt động lập pháp là rất cần thiết. 

Việc ứng dụng những công nghệ mới của cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đưa tới những tác động lan tỏa nhanh và mạnh mà hệ thống quản lý hiện hành có thể không theo kịp (chẳng hạn, sự bùng nổ của các xe “taxi” công nghệ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vừa qua hoặc việc xuất hiện một số loại tài sản mã hóa), nên việc ứng dụng những cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm trong phạm vi hạn chế (mà thế giới thường gọi là sandbox) có thể là chọn lựa lập pháp, lập quy khôn ngoan. Tuy nhiên, cơ chế thử nghiệm trong phạm vi hạn chế này được áp dụng trong trường hợp nào thì cần được tính toán kỹ lưỡng các mặt lợi hại để làm sao vừa bảo đảm khuyến khích quá trình đổi mới sáng tạo nhưng vẫn bảo đảm được yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng theo tinh thần Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.

Ngoài ra, một điểm rất quan trọng chúng tôi muốn đề cập là vấn đề vai trò của doanh nghiệp công nghệ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong quá trình xây dựng pháp luật. Trước những diễn tiến nhanh chóng của tình hình do tác động của việc phát minh những công nghệ mới, vai trò chủ thể sáng tạo ra các quy tắc pháp lý có thể không giản đơn đến từ phía các nhà phân tích, hoạch định chính sách như cách nghĩ truyền thống. Doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc các tổ chức đại diện cho cộng đồng này (thậm chí là các tổ chức bảo trợ, quỹ đầu tư cho cộng đồng này) không chỉ là “đối tượng chịu sự tác động” đơn thuần để được “tham vấn” mà phải là chủ thể “chủ động sáng kiến pháp luật, chủ động cung cấp thông tin tác động vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới của mình đang mở ra cho các lĩnh vực xây dựng, thực thi pháp luật, giải quyết tranh chấp những dư địa mới để cải thiện hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Cuộc cách mạng này cũng đang mở rộng không gian sinh tồn của con người; đang trực tiếp thách thức lý do tồn tại của các tổ chức trung gian kết nối giữa bên cung và bên cầu trong các quan hệ thị trường, nhất là thị trường mang tính tổ chức cao như thị trường tín dụng ngân hàng, thị trường bảo hiểm, thị trường bất động sản v.v. Rõ ràng, trước những biến đổi nhanh chóng đó của hiện thực cuộc sống, việc làm mới cách chúng ta tư duy về thực tiễn kinh tế-xã hội cũng như thực tiễn pháp lý (cả ở sự đa chiều trong tư duy và sự nhanh chóng trong tốc độ tư duy) là điều rất cần thực hiện. 

Đọc thêm