Cấm bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi: Thiếu chế tài thì chỉ là “cấm cho vui”

(PLO) - Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại tổ chiều 12/11, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) cho rằng quy định cấm bán, cung cấp rượu, bia cho người dưới 18 tuổi được quy định trong dự thảo Luật là khó khả thi vì không có chế tài cụ thể. 
Bộ trưởng Lê Thành Long cho ý kiến về dự án Luật THAHS (sửa đổi) tại phiên họp chiều 12/10
Bộ trưởng Lê Thành Long cho ý kiến về dự án Luật THAHS (sửa đổi) tại phiên họp chiều 12/10

Khó xử lý vì chưa có chế tài cụ thể

Cho ý kiến về dự thảo Luật, nhiều ĐB cho rằng các biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu bia được quy định ở Chương 2 của dự thảo luật mới chỉ dừng ở các biện pháp mang tính tuyên truyền, khuyến nghị mà chưa có biện pháp xử lý đủ mạnh, quy định cấm bán hàng rượu, bia cho người chưa thành niên là khó khả thi nếu chỉ quy định cấm mà không có chế tài cụ thể.

Do đó, ĐB Huỳnh Thành Chung (Đoàn Bình Phước) đề nghị cần phải quy định về chế tài xử lý đối với việc bán rượu, bia cho người chưa thành niên ngay trong Luật này.

ĐB Huỳnh Thanh Phương (Đoàn Tây Ninh) cũng bày tỏ băn khoăn về một số điều cấm nhưng không có chế tài kèm theo, dẫn tới rất khó xử lý. Do đó, ĐB đề nghị cần phải có chế tài xử lý đi kèm theo với Luật, tránh hiện tượng một số luật hiện nay có nhiều nội dung cấm nhưng “cấm ghi trong luật cho vui”, tính khả thi gần như không có. ĐB cho biết, nhiều cử tri cho rằng để làm tốt luật này thì cần tuyên truyền tốt và thứ hai là đánh thuế dịch vụ cao lên, trong đó nhiều người ủng hộ phương án đánh thuế cao lên.

ĐB Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) cũng chỉ ra rằng Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ lâu nhưng đến nay ngay cả một số thủ trưởng các cơ quan và nhân viên vẫn hút thuốc nhưng không bị xử lý. Theo ĐB, điều này tạo ra việc nhờn luật.

ĐB Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) thậm chí cho rằng dự thảo luật hiện có cảm giác như luật tuyên truyền về tác hại của rượu bia chứ chưa có các điều khoản luật để tổ chức thực hiện và chế tài xử lý.

Ngoài ra, ĐB Chung cũng cho rằng dự thảo Luật quy định độ tuổi sử dụng rượu bia là 18 nhưng hiện chưa có nghiên cứu tuổi nào thì phù hợp. “Ở tuổi 18 tuổi thì các em còn đi học, là học sinh, sinh viên, tức đang ở giai đoạn cuối của sự phát triển thể chất, trí lực và thể lực nên việc sử dụng rượu bia không tốt. Do đó, theo tôi có thể điều chỉnh lên thành từ 21, 22 tuổi mới được mua bán và sử dụng”, ĐB nói.

ĐB Chung cũng chỉ ra rằng hiện một số nước quy định cấm kinh doanh rượu bia sau 22 giờ đêm. Với đặc điểm của Việt Nam, theo ĐB, nếu quy định cấm bán rượu, bia sau 23h00 thì sẽ có tác dụng tốt, hạn chế được việc sử dụng rượu bia tràn lan và kéo dài.

Có sự bất tương thích giữa ý tưởng và điều kiện thực tế

Cho ý kiến về dự án Luật Thi hành án hình sự (THAHS) (sửa đổi) chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (ĐBQH tỉnh Kiên Giang) đề nghị ĐBQH tính toán thêm về thời gian thông qua bởi nếu thông qua theo quy trình 3 kỳ thì đến cuối năm 2019 dự án Luật THAHS (sửa đổi) mới được thông qua, năm 2020 mới có hiệu lực, tức chậm so với Bộ luật Hình sự năm 2015 là 2,5 năm.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, có 2 chính sách hình sự mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 phải hiện thực hóa trong thi hành là THAHS của pháp nhân và tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo Bộ trưởng, chúng ta đang xây dựng một đạo luật có nhiều ý tưởng nhân văn và nhân đạo, tiệm cận nhiều hơn đối với các quy định tiến bộ của nhân loại liên quan đến quyền con người, quyền công dân, nhưng thực tế để triển khai đặt ra nhiều khó khăn.

Vì vậy, tình hình này đặt ra sự bất tương thích giữa ý tưởng về tính nhân văn và nhân đạo, đáp ứng tốt hơn các quy định về quyền con người, quyền công dân, quyền con người và điều kiện thực tế. Do đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần cung cấp thông tin chi tiết về việc để đáp ứng các yêu cầu của Hiến pháp, quyền cụ thể của phạm nhân thì cần bao nhiêu tiền, đánh giá tác động cùng các yêu cầu vật chất về mặt nguồn lực để thực hiện để các ĐBQH nắm rõ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra, dự thảo Luật còn quy định thiếu quyền của phạm nhân dù đã có 10 nhóm quyền cụ thể, nhưng còn một số quyền dân sự kinh tế chưa được quy định như quyền kết hôn, hiến tặng trứng, tinh trùng, hiến máu, hiến tặng mô...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm thi hành án phần về dân sự trong các bản án hình sự đối với các đối tượng liên quan, bổ sung tại khoản 2 Điều 38 của dự thảo Luật về tiếng nói hay xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự (THADS) về việc thi hành nghĩa vụ dân sự của người được đề nghị giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù để đảm bảo sự  thống nhất giữa các luật, đồng thời cũng khẳng định được vai trò của cơ quan THADS trong các trường hợp này.

ĐB Trần Xuân Hùng (Đoàn Hà Nam) chỉ ra rằng Bộ luật Hình sự 2015 quy định 4 hình thức xử lý đối với pháp nhân thương mại, trong đó hình thức “đình chỉ hoạt động vĩnh viễn” là nặng nhất và sẽ kéo theo một loạt các vấn đề như THADS, bảo hiểm, nợ đọng... nhưng các vấn đề này chưa được thể hiện trong dự thảo Luật nên cần bổ sung. ĐB Hùng cũng tán thành đề xuất Điều 37 về thi hành quyết định tạm đình chỉ thi hành án phạt tù phải gửi cho cơ quan THADS.

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong đầu tư công

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) sáng 12/11, ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) chỉ ra rằng một trong những điểm “vướng” của Luật Đầu tư công hiện hành là quy định về trình tự thủ tục để phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án rất phức tạp.

“Do đó, trong Luật Đầu tư công này, cái quan trọng nhất là phải giảm bớt các quy trình quá phức tạp, đặc biệt là khi cần thì phải làm thế nào phân cấp cho các cấp quyết định, cấp nào chịu trách nhiệm kế hoạch đầu tư thì phải chịu trách nhiệm về kết quả, chịu trách nhiệm về thẩm định, tránh tình trạng nói rằng đã lấy ý kiến các cơ quan, ban ngành rồi nên sau này gần như không phải chịu hậu quả”, ĐB nói.

Dẫn thực tế, thời gian qua có tình trạng khi dự án được phê duyệt thì chỉ thuộc nhóm nhỏ - nhóm B, tuy nhiên trong quá trình triển khai lại có điều chỉnh vốn, dự án chuyển thành dự án nhóm A nhưng cơ quan phê duyệt vẫn là cơ quan ban đầu, ĐB Cường cho rằng: “Đây là tình trạng lách luật cần phải điều chỉnh theo hướng khi thay đổi tổng mức đầu tư phải thay đổi cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án”

Thói quen mua hàng không lấy hóa đơn tiếp tay cho hành vi trốn thuế

Thảo luận ở tổ về dự án Luật Quản lý Thuế (sửa đổi) sáng 12/11, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) bày tỏ trăn trở về tình trạng mua hàng không lấy hóa đơn diễn ra phổ biến trong giao dịch mua bán. Theo ĐB, việc này vô tình tiếp tay cho việc một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh không thực hiện đúng quy định của luật thuế.

“Đồng tình việc dự thảo Luật quy định nghiêm cấm bán hàng không xuất hóa đơn, song ĐB đề nghị cần bổ sung ghi đúng, không ghi sai nhằm trốn thuế. ĐB Vân cũng chỉ ra rằng việc sở hữu tài khoản ngân hàng để thanh toán, chuyển khoản hiện đã trở nên phổ biến, đặc biệt là ví điện tử ngày càng phát triển giúp thanh toán, chuyển khoản dễ dàng, nhanh hơn.

Thế nhưng, ĐB cho rằng, việc này cũng giúp các doanh nghiệp, hộ cá nhân dễ dàng sử dụng tài khoản khác với tài khoản đăng ký với cơ quan thuế, đặc biệt là những chủ thể đang hoạt động kinh doanh trực tuyến.

Do đó, để tránh tình trạng người nộp thuế sử dụng nhiều tài khoản để giao dịch nhưng khi kê khai nộp thuế chỉ kê khai một tài khoản, ĐB đề nghị cần quy định rõ người nộp thuế phải cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ, số hiệu và nội dung giao dịch của tất cả các tài khoản ở các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác của người nộp thuế.

Đọc thêm