Cám ơn câu nói của tân Chánh án tòa Tối cao

(PLO) - Tân Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định sẽ sớm chỉ đạo giải quyết hàng chục nghìn đơn tồn đọng bởi “đây là cái nợ nần mà chúng ta để quá lâu rồi” và “một vụ án oan cũng là nỗi đau”. Có lẽ đây là điều dư luận hết sức quan tâm. Cám ơn ông Nguyễn Hòa Bình về câu nói này.
Cám ơn câu nói của tân Chánh án tòa Tối cao

Thực tế phải công nhận rằng, oan sai của công dân do yếu kém của các cơ quan tiến hành tố tụng (CQTT) gây ra đang quá nghiêm trọng. Dư luận từng “dậy sóng” vì phát hiện những vi phạm nghiêm trọng của các CQTT dẫn đến những án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang hay “án oan xuyên thế kỷ” của ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận. Đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ án oan được phát hiện, cho thấy tình trạng oan sai trong tố tụng hình sự ở Việt Nam ở mức đáng lo ngại.

Chắc chắn nếu khi viết sử của từng ngành trong khối CQTT nếu không “báo cáo thành tích hóa” lịch sử thì những vụ án oan sai đặc biệt nghiêm trọng phải có “vị trí” xứng đáng.

Oan trong vụ án hình sự là nói đến người không có hành vi phạm tội nhưng lại bị các cơ quan tố tụng ép buộc cho là có tội, còn sai trong vụ án là người tội nhẹ bị kết tội nặng hoặc hành vi phạm tội này thì bị buộc tội khác. Oan sai trong hình sự đem lại hậu quả đặc biệt xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến đời sống vật chất, tinh thần người bị khởi tố mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh chính trị, uy tín, gia đình, dòng họ… Nhiều trường hợp người điều hành, quản lý doanh nghiệp bị oan thì doanh nghiệp bị đóng cửa, công nhân mất việc làm, xã hội cũng bị thiệt hại.

Hậu quả lớn khác là uy tín của cơ quan tố tụng, nhân danh Nhà nước để phán xử một người bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Và có những thiệt hại, chúng ta không thể đong đếm bằng vật chất.

Rất nhiều lý do dẫn đến oan sai, nhưng lý do chính lại ít được nói tới, đó là vi phạm tố tụng của các CQTT, của người tiến hành tố tụng trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa không cho phép CQTT, người tiến hành tố tụng được quyền vi phạm pháp luật trong mọi hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đáng tiếc, “nguyên tắc” và “thực tiễn” đang quá khác nhau.

Tân Chánh án TAND Tối cao cho biết sắp tới TAND Tối cao sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan, trong đó có Viện kiểm sát tập trung giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc được đặt ra trong các nghị quyết tư pháp của Quốc hội, trong đó có việc phải chống oan sai, đẩy nhanh tiến độ giải quyết đơn thư về tư pháp tồn đọng mà theo thống kê hiện nay số lượng rất nhiều. 

Trước hết phải hoan nghênh, bởi một người oan sai, cả xã hội đau lòng!

Đọc thêm