Cán bộ “lơ mơ” không thể cải cách tư pháp

(PLO) - Sinh viên Luật ra trường không có khái niệm về cải cách tư pháp (CCTP), cán bộ chính trị, cán bộ trong các cơ quan nhà nước nói chung và cơ quan tư pháp nói riêng mà “lơ mơ” về CCTP thì chủ trương CCTP không thể đi vào cuộc sống, không thể triển khai hiệu quả.
Phó Trưởng BCĐ CCTP TƯ Lê Thị Thu Ba chủ trì hội thảo
Phó Trưởng BCĐ CCTP TƯ Lê Thị Thu Ba chủ trì hội thảo

Sáng qua (1/12), Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp (BCĐ CCTP) TƯ tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm và giải pháp đưa chủ trương CCTP của Đảng vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có liên quan”.

Không thể “ép” nhận thức về CCTP
Theo Phó Trưởng BCĐ CCTP TƯ Lê Thị Thu Ba, một kênh rất quan trọng làm “cầu nối” căn bản nhất cho việc đưa các chủ trương, nhiệm vụ CCTP đi vào cuộc sống là việc các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng sinh viên, cán bộ chính trị, tư pháp, pháp luật cung cấp nội dung cơ bản về CCTP cho học viên, sinh viên, giúp họ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng có thể tham gia tư vấn chính sách, xây dựng và thực thi pháp luật với tinh thần CCTP.
Hiện các cơ sở giáo dục chính trị, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tư pháp đều đã đưa nội dung CCTP vào chương trình giảng dạy với hình thức, biện pháp đa dạng, mức độ khác nhau, phù hợp với đối tượng, điều kiện và mục đích đào tạo, bồi dưỡng. Thông qua đó, “nhận thức, tư duy của cán bộ pháp luật, cán bộ có chức danh tư pháp về chủ trương, nhiệm vụ CCTP đã được nâng lên và tác động tốt đến hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước” – Phó Trưởng BCĐ CCTP TƯ đánh giá.
TS.Nguyễn Văn Thuân - Phó Chánh án TANDTC nhấn  mạnh, ở tất cả các cấp, các ngành, từ nhận thức đến hành động CCTP đều cần những giải pháp cụ thể, trong đó giảng dạy là cách để đưa chủ trương CCTP vào nhận thức của cán bộ, có thể vận dụng vào công việc. Đồng thời, thực hiện nhiệm vụ “xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp trong sạch, vững mạnh”, từ đó phổ biến cho toàn xã hội.

Do đó, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chính trị, luật, chức danh tư pháp đều thống nhất không chỉ lồng ghép mà cần phải có các môn học cụ thể trong chương trình giảng dạy, đào tạo luật, nghề trong lĩnh vực tư pháp để cung cấp đầy đủ về CCTP cho các sinh viên, cán bộ chính trị, cán bộ các cơ quan tư pháp.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Thu Ba cho rằng, giảng dạy CCTP là phải làm rõ được vấn đề cần “thấm” cho cán bộ, học viên để tăng cường nhận thức đầy đủ về CCTP bởi “nếu thực hiện CCTP mà cán bộ pháp luật, tư pháp bảo thủ thì kết quả CCTP sẽ khác với những người có tư tưởng đổi mới”.

Nên theo GS.TS.Nguyễn Quý Khoát – Phó Giám đốc Học viện An ninh nhân dân, không thể “ép” nhận thức về CCTP mà cần đào tạo chính quy, bài bản. Trên cơ sở nghiên cứu khoa học để xây dựng giáo trình, chương trình giảng dạy liên quan đến hoạt động CCTP, bổ trợ tư pháp.

Ngoài ra, “cần lồng ghép CCTP vào chương trình bồi dưỡng cán bộ cấp ủy và lãnh đạo chính quyền địa phương để nhận thức vai trò, vị trí của CCTP, vì CCTP không chỉ là việc riêng của cơ quan tư pháp, pháp luật” – TS.Nguyễn Văn Thuân gợi ý. 
Chú trọng chất lượng giảng viên

Để đưa chương trình CCTP vào giảng dạy đòi hỏi cán bộ giảng dạy phải có kiến thức chuyên môn sâu nên đại diện các cơ sở đào tạo cùng đề xuất thường xuyên tập huấn cho cán bộ giảng dạy, báo cáo viên. Tăng cường các đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến CCTP và khuyến khích ứng dụng các kết quả nghiên cứu CCTP.

Theo kinh nghiệm của Đại học Kiểm sát Hà Nội, cần chú trọng nâng cao kiến thức chuyên môn và thực tế về CCTP cho các “đầu tàu” là đội ngũ giảng viên, tạo điều kiện cho sinh viên đi thực tế. TS.Trương Quang Vinh - Q.Hiệu trưởng Đại học Luật Hà Nội cũng mong muốn được tạo điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên trẻ để “cứng cáp” hơn trong công việc, đáp ứng truyền tải tinh thần CCTP trong nội dung giảng dạy.

Song dẫn thực tế chế độ, chính sách cho các giảng viên tại cơ sở đào tạo còn “chưa hấp dẫn” nên một bộ phận “không yên tâm, muốn chuyển sang các cơ quan chuyên môn”, ông Hoàng Mạnh Hùng - Đại học Kiểm sát Hà Nội nhấn mạnh, cần chú ý đến vấn đề này để thu hút được sự tham gia giảng dạy của các chuyên gia giỏi.

Ngoài ra, từ thực tế đào tạo tại Viện Nhà nước và pháp luật (Học viện Chính trị quốc gia HCM), TS.Lê Đinh Mùi nhận thấy, cần chỉ rõ trách nhiệm của cơ sở đào tạo trong đào tạo các nội dung CCTP, cũng như có sự phối kết hợp của các cơ quan để tăng số lượng giảng viên có chất lượng, hiểu biết sâu rộng về lý luận và thực tiễn hoạt động tư pháp, pháp luật và CCTP.

Đọc thêm