Cần bổ sung quy định về hỗ trợ tạm giữ tài sản khi cưỡng chế THADS

(PLVN) -Trong công tác thi hành án dân sự (THADS), việc phải tiến hành cưỡng chế là biện pháp cuối cùng, ngoài ý muốn của cơ quan THADS. Tuy nhiên, một khi phải áp dụng biện pháp này thì đa số người phải thi hành án là có ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, chây ỳ, cố tình kéo dài thời gian, cản trở việc thi hành án nên thực hiện cưỡng chế rất cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng.

Quy định rõ quy trình

Có thể nói, cưỡng chế THADS là biện pháp cưỡng bức mà cơ quan THADS cực chẳng đã phải áp dụng để buộc đương sự phải thực hiện những hành vi hoặc nghĩa vụ về tài sản theo bản án, quyết định của Tòa án. Nếu cơ quan Thi hành án động viên, giáo dục thuyết phục nhiều lần nhưng người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, cố tình lẩn tránh, chây ỳ thì buộc cơ quan THADS phải tổ chức cưỡng chế. 

Việc cưỡng chế là một biện pháp cưỡng bức của Nhà nước nhằm tôn trọng và giữ nghiêm pháp chế. Các biện pháp cưỡng chế THADS được áp dụng trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án trong thời hạn do chấp hành viên cơ quan THADS ấn định, hoặc trong trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản…

Vì tính chất phức tạp, nhạy cảm của biện pháp cưỡng chế, liên ngành Tư pháp – Công an đã thống nhất ký kết Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA. Thông tư 03 quy định cụ thể việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS giữa cơ quan THADS, cơ quan Công an cùng cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khi tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng tham gia. Với Thông tư 03, công tác phối hợp bảo vệ cưỡng chế THADS giữa lực lượng Công an và cơ quan Thi hành án được chú trọng, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và giảm số lượng án tồn đọng trên cả nước.

Chẳng hạn, tại buổi cưỡng chế, việc phối hợp được Thông tư quy định thực hiện như sau: Lực lượng cảnh sát được phân công bảo vệ cưỡng chế thi hành án phải có mặt từ khi bắt đầu đến khi kết thúc vụ việc cưỡng chế để duy trì trật tự và bảo đảm an toàn trong suốt quá trình diễn ra cưỡng chế; Lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu hợp pháp của người chủ trì, điều hành việc cưỡng chế…

Người phải thi hành án chống đối: khó đưa tài sản

Nhưng việc triển khai các quy định về cưỡng chế trong Luật THADS và phối hợp bảo vệ cưỡng chế theo Thông tư 03 đã phát sinh một số vướng mắc, trong đó đáng chú ý là những quy định liên quan đến tài sản. Đơn cử, Điều 115, Luật THADS quy định, nếu người phải thi hành án không tự chuyển tài sản ra khỏi nhà đất thì chấp hành viên yêu cầu lực lượng cưỡng chế đưa tài sản ra khỏi nhà đất. Tuy nhiên, trong trường hợp người phải thi hành án chống đối thì việc đưa tài sản ra hết sức khó khăn bởi không thể xác định được đầy đủ tài sản của người phải thi hành án gồm những gì; thậm chí nhiều tài sản mà cơ quan THADS, cơ quan chuyên môn cũng không thể nhận biết và mô tả như thế nào, nhiều tài sản nằm ở những vị trí mà người tiến hành cưỡng chế không thể biết được (như nằm dưới đất, âm tường, trên mái nhà...). Thực tế này dẫn đến sau khi tổ chức cưỡng chế xong thì người phải thi hành án cho rằng vẫn còn tài sản của họ trong nhà, xưởng, quyền sử dụng đất đã được giao cho người được thi hành án.

Việc pháp luật THADS chưa quy định theo hướng xác định THADS là khâu thực hiện kết quả hoạt động của quyền tư pháp nên có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động THADS. Vì vậy, không gắn trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án, trọng tài thương mại, hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đối với việc thi hành các bản án, quyết định của mình, trong đó có trách nhiệm, quyền hạn của Tòa án trong cưỡng chế THADS còn hạn chế. Tòa án mới chỉ tham gia phối hợp mà chưa có vai trò cụ thể và quan trọng trong cưỡng chế THADS. 

Bởi thế, việc xử lý tài sản cưỡng chế THADS là tài sản chung hoặc tài sản có tranh chấp khó thực hiện. Mặc dù Bộ luật Tố tụng dân sự đã có quy định về việc giải quyết hậu quả của việc thi hành án khi hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm hủy án hoặc sửa án tại các điều từ Điều 344 đến Điều 357. Song việc giải quyết những hệ quả, vướng mắc trong trường hợp kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm của tòa án hoặc của viện kiểm sát dẫn đến thay đổi nội dung các bản án đã có hiệu lực đang được cưỡng chế thi hành hoặc đã cưỡng chế thi hành xong rất khó khăn, phức tạp.

Hơn nữa, Thông tư liên tịch số 03 mới chỉ quy định về phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS, chưa quy định hỗ trợ chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản. Do đó, cần quy định sửa đổi, bổ sung vào Thông tư theo hướng lực lượng Công an phối hợp bảo vệ cưỡng chế, tạm giữ tài sản trong THADS.

Đọc thêm