Cán bộ tư pháp khổ vì "cái lý người Mèo"

(PLO) - Trong điều kiện đó, người dân ở nhiều huyện vùng cao vẫn đang ngày ngày phải sống chật vật với cây ngô, cây sắn tìm kế sinh nhai. Để họ tìm hiểu pháp luật, coi pháp luật như “cẩm nang”là một điều “khó hơn lên trời”.
Tư vấn cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình. Ảnh: Phạm Diệu
Tư vấn cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình. Ảnh: Phạm Diệu
Hà Giang, vùng đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc, có 22 dân tộc anh em sinh sống, trong đó chỉ có 13,4% là người Kinh. Vốn là một tỉnh nghèo nên Hà Giang chậm phát triển hơn so với mặt bằng chung của cả nước. 
Vất vả vì “cái lý của người Mèo”
Sau gần nửa ngày cùng xe vượt hơn 500km, chúng tôi có mặt tại xã Sảng Tủng, huyện Đồng Văn - một xã có 603 hộ gia đình mà có tới 383 hộ nghèo (chiếm 56,7%), những người sống ở đây chủ yếu là người H’Mông, chiếm hơn 98%.
Cái đói, cái nghèo luôn bám lấy những người dân Sảng Tủng. Vì không biết luật, cộng thêm cái nghèo, trong 2 năm gần đây, tỷ lệ người dân của xã vượt biên sang Trung Quốc tăng đột biến; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết tuy đã giảm nhưng vẫn còn xảy ra. Trong năm 2013, Sảng Tủng đã xảy ra 4 vụ tảo hôn, khó khăn lắm chính quyền xã mới vận động được các gia đình có con chưa đủ tuổi không tảo hôn nữa.
Ông Sùng Chúng Hờ - Bí thư Đảng ủy xã Sảng Tủng ví von: “Ở vùng cao, việc phổ biến kiến thức pháp luật cho người dân khó như lên trời”. Không loa đài, băng rôn, khẩu hiệu; không đài truyền thanh đến từng thôn để tuyên truyền. Theo ông Hờ, chính trình độ dân trí của người dân là rào cản lớn nhất  đối với cán bộ tuyên truyền ở nơi biên giới Tây Bắc này.
“Đi phổ biến, tuyên truyền pháp luật tại các hộ gia đình, người nào hiểu thì một lần đã hiểu, người nào không hiểu thì nhiều lần nói cũng vẫn thế. Nhiều người không hiểu cán bộ đến tuyên truyền là tốt cho họ nên mang cuốc, thuổng, gậy gộc ra đuổi cán bộ vận động, cán bộ tuyên truyền” - ông Hờ cho biết.
Vẫn biết PBGDPL tại các tỉnh vùng cao như Hà Giang là khó khăn, phải kiên trì, gian khổ nhưng có lên tận nơi, cùng đi đến nhà người dân tuyên truyền, phổ biến mới “thấm” được hết sự vất vả của cán bộ PBGDPL ở đây. 
Anh Nguyễn Lê Huy, cán bộ Phòng PBGDPL tỉnh cho hay: “Khó khăn lớn với cán bộ vùng cao đi tuyên truyền là địa hình phức tạp, đi lại vất vả. Từ thành phố đi đến các huyện như Xín Mần, Hoàng Su Phì, Mèo Vạc đã mất cả ngày, chưa kể vào những nơi xe ô tô chỉ dừng ở đường quốc lộ, đoàn phải đi xe máy, đi bộ vào bản thì mấy ngày chúng tôi mới kết thúc được chuyến công tác”.
Thanh niên tình nguyện lên với bản vùng cao. Ảnh: Phạm Diệu
Thanh niên tình nguyện lên với bản vùng cao.
Ảnh: Phạm Diệu
Mưa dầm thấm lâu…
Theo anh Vừa Mí Quả, một tuyên truyền viên đang học tại Trường Trung cấp Luật Thái Nguyên cho biết: “Khi mới bắt đầu đi tuyên truyền, chưa có kinh nghiệm nên người dân cứ thấy cán bộ thì tránh mặt không tiếp. Sau này, dần dà tiếp xúc nhiều, hiểu bà con hơn, bà con đồng bào tin mình, cảm tình mình thì bà con mới không từ chối cán bộ”.
Cùng đi trong chuyến công tác tới Đồng Văn lần này, giảng viên Khoa Luật Trường Đại học Quốc gia, Chủ nhiệm đề án “Hỗ trợ nâng cao hiểu biết pháp luật và kỹ năng tuyên truyền, phổ biến hệ thống pháp luật Việt Nam về phòng, chống tham nhũng cho đối tượng thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ” Nguyễn Thị Hoài Phương chia sẻ: “Là một giảng viên Khoa Luật, trên giảng đường mình giảng giải cho các sinh viên kiến thức các môn luật, mình cũng đi nhiều tỉnh, thấy rằng hiện nay không nhiều người dân vùng cao có cơ hội tiếp cận được với các kiến thức luật cần thiết như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai, Luật Giao thông đường bộ... nhất là người dân ở các huyện vùng sâu của Hà Giang”.
Đến  Hà Giang, Cao nguyên đá Đồng Văn, nhóm sinh viên của Khoa Luật Trường Đại học Quốc gia đã phổ biến pháp luật cho người dân với bầu nhiệt huyết của sức trẻ đã  lồng ghép phổ biến pháp luật thông qua buổi giao lưu văn hóa cùng bà con với các tiết mục kịch nói, clip phóng sự, tuyên truyền miệng, trò chơi tìm hiểu về pháp luật phòng chống tham nhũng, Luật Hôn nhân và Gia đình... 
Được biết, đây là hoạt động mà Khoa Luật phối hợp với Nhà xuất bản Tư pháp thực hiện, nhằm chung tay “xóa nghèo pháp luật” cho đồng bào vùng cao. Cũng trong chuyến đi này, nhiều tài liệu, sách vở dịch ra tiếng dân tộc đã được trao đến tận tay bà con.
Cầm trên tay cuốn tài liệu phổ biến bằng chính thứ tiếng của mình, anh Sùng Minh Hà vui mừng hồ hởi: “Bản thân mình là người dân tộc, cuộc sống đã khó khăn, các vấn đề về luật mình mơ hồ lắm. Giờ đây, có cuốn tài liệu bằng chính thứ tiếng của dân tộc mình thì mình phải đọc thật kỹ để còn áp dụng vào cuộc sống nữa” - anh Hà vui vẻ nói.
Biết rằng việc phổ biến pháp luật đến đồng bào vùng cao vẫn còn lắm gian nan nhưng với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, với sự chung sức của các cấp, ngành, hy vọng pháp luật sẽ ngày càng đến gần hơn với cuộc sống của người dân ở nơi “địa đầu Tổ quốc”.

Đọc thêm