Cán bộ tư pháp trẻ có thể nghiên cứu khoa học từ đời sống quanh mình

(PLO) - Trò chuyện với đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp tại Hội thảo “Nâng cao kỹ năng nghiên cứu khoa học và xử lý thông tin báo chí cho đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp”, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Lê Hồng Hạnh ân cần nhắn nhủ, không nên coi nghiên cứu khoa học là quá cao siêu, khoa học ở ngay trong đời sống mỗi người. Hội thảo do Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp đã phối hợp với Viện Khoa học pháp lý tổ chức. 
Cán bộ tư pháp trẻ có thể nghiên cứu khoa học từ đời sống quanh mình

Tiền đề cho thành công nghề nghiệp

Tại Hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương nhấn mạnh, kỹ năng nghiên cứu khoa học là rất cần thiết đối với mỗi cán bộ công chức, phục vụ đắc lực cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách của cơ quan, đơn vị. Vì vậy, ông Cương mong muốn các đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp nhận thức đầy đủ, toàn diện, sâu sắc các kỹ năng, vượt qua mọi khó khăn, giữ ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học, coi đó là tiền đề, hành trang cho thành công nghề nghiệp, đóng góp vào sự phát triển ổn định, bền vững của Bộ, ngành trong thời gian tới.

Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật Hồ Quang Huy cho rằng kỹ năng nghiên cứu khoa học và xử lý thông tin báo chí của đoàn viên, thanh niên Bộ còn chưa được toàn diện, nên rất cần được trau dồi, học hỏi thêm. Trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên Bộ sẽ có hướng đi mới là sẽ chú trọng hơn tới việc thực hiện chuyên môn nghiệp vụ gắn với nhiệm vụ của Bộ, ngành, đơn vị, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các hoạt động phong trào. Để vừa làm tốt nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, vừa đạt được thành công trong nghiên cứu khoa học, ông Huy chia sẻ một số kinh nghiệm của bản thân như có ý thức kỷ luật khi nghiên cứu, đặt ra các mục tiêu cụ thể, sắp xếp thời gian hợp lý, lựa chọn tài liệu phù hợp để đọc…

Ngoài những đoàn viên đã có kinh nghiệm tham gia các đề tài, đề án, công trình nghiên cứu khoa học, một số đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp bày tỏ sự e dè, coi nghiên cứu khoa học là “cánh cửa lớn” mà bản thân chưa thể bước qua. Tuy nhiên, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Lê Hồng Hạnh chia sẻ, không nên coi nghiên cứu khoa học là cái gì đó quá cao siêu. “Thực chất đó chính là tìm kiếm câu trả lời cho những lĩnh vực của mình, khoa học ở ngay trong đời sống mỗi người, khoa học chính là cuộc sống” – ông Hạnh đúc rút.

Hãy bắt đầu từ những nhiệm vụ đơn giản, ở cấp cơ sở

Các đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp đã sôi nổi thảo luận, mang lại không ít kinh nghiệm cho các đồng nghiệp từ những nghiên cứu khoa học của mình. Đoàn viên Trần Thu Trang cho biết, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học là một quá trình có nhiều bước từ hình thành ý tưởng của nhiệm vụ khoa học; lựa chọn hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học; tổ chức, triển khai hoạt động nghiên cứu đến viết báo cáo tổng hợp và nghiệm thu kết quả nghiên cứu; công bố kết quả nghiên cứu và chuyển giao kết quả nghiên cứu.

Theo bạn Trang, mỗi giai đoạn này lại có những yêu cầu riêng. Chẳng hạn, trong giai đoạn tổ chức, triển khai hoạt động nghiên cứu, có yêu cầu là phải lên kế hoạch cụ thể, tính toán tới các yếu tố tác động đến việc hoàn thành nhiệm vụ khoa học hoặc có nhiệm vụ không lường trước được yếu tố khách quan. Ví dụ, đề tài cấp Bộ “Bình luận Bộ luật Hình sự năm 2015” tạm dừng do trong thời gian thực hiện đề tài này phải chờ sửa đổi, bổ sung Bộ luật. Hay trong một số dự án điều tra, nhiệm vụ về môi trường, thời gian triển khai đoàn công tác đa phần là khá muộn, các thông tin thu thập được đôi khi do địa phương không cung cấp đầy đủ…

Thấu hiểu chia sẻ của ông Hạnh, có bạn đoàn viên, thanh niên đã tâm niệm ưu tiên lựa chọn những hình thức thực hiện nhiệm vụ khoa học đơn giản như bài tạp chí nghiên cứu hoặc chủ trì các đề tài khoa học cấp cơ sở. Hoạt động thực tiễn tại Viện Khoa học pháp lý cho thấy, nếu nghiên cứu viên trẻ của Viện đề xuất chủ trì các đề tài khoa học cấp cơ sở thì sẽ có đầy đủ về nguồn lực khoa học, về kinh phí, về quỹ thời gian để hiện thực hóa ý tưởng khoa học của bản thân, đồng thời hoàn thành nhiệm vụ khoa học hàng năm được giao.

Đoàn viên Ngô Thanh Xuyên tâm sự, hoạt động nghiên cứu khoa học nói chung, hoạt động xây dựng báo cáo khoa học, bài báo khoa học nói riêng là một quá trình khổ hạnh, đó chính là đau khổ và hạnh phúc. “Đau khổ trong quá trình chuẩn bị và viết thành báo cáo, bài báo và hạnh phúc khi báo cáo, bài báo đó được đánh giá cao, được công bố, được ứng dụng, được bạn đọc đón nhận và chia sẻ. Điều này đòi hỏi ở người nghiên cứu khoa học phải phấn đấu để giữ sự cân bằng giữa tính trong sáng và nội dung đầy đủ trong hoạt động nghiên cứu” – bạn Xuyên chiêm nghiệm và mong muốn: Trong thời gian hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý của mình, các đoàn viên, thanh niên trẻ thực sự khởi sức, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của Bộ, ngành Tư pháp. 

Đọc thêm