Cán bộ yếu kém, có thể làm phát sinh trách nhiệm bồi thường

(PLO) - Gần đây, dư luận đang thảo luận sôi nổi đối với hai con số rất khác nhau về tỷ lệ cán bộ, công chức (CBCC) không làm được việc, “ngồi chơi xơi nước”, tạo gánh nặng đối với biên chế và ngân sách nhà nước: 1% hay 30%? Vậy trong lĩnh vực quản lý nhà nước khá nhạy cảm hiện nay là quản lý về công tác bồi thường thì tỷ lệ này ra sao, có tác động như thế nào đến trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN)?
Đây chính là những vấn đề được nêu tại một hội thảo do Bộ Tư pháp tổ chức vào hôm qua (10/12).
Trong công tác bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp đã tiến hành khảo sát thực trạng lề lối làm việc, trình độ kinh nghiệm của CBCC trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Kết quả khảo sát cho thấy, chỉ có 51,7% cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đánh giá CBCC cơ quan nhà nước thực hiện đúng pháp luật khi giải quyết công việc; 28,6% đánh giá CBCC thực hiện chưa đúng các quy định của pháp luật khi giải quyết công việc và 22,8% đánh giá CBCC còn né tránh, đùn đẩy khi giải quyết công việc. 
Trong khi đó, có tới 41,6% CBCC tự đánh giá chưa chấp hành và thực hiện tốt các quy định pháp luật, thậm chí có 6,3% CBCC tự đánh giá không chấp hành các quy định pháp luật. Mặc dù tỷ lệ đánh giá CBCC cơ quan nhà nước thực hiện đúng pháp luật tăng đáng kể so với năm 2012, nhưng Phó Cục trưởng Cục Bồi thường nhà nước, Bộ Tư pháp Trần Việt Hưng cho rằng, tỷ lệ CBCC thẳng thắn nhìn nhận yếu kém của mình như trên có thể dẫn tới tình trạng giải quyết công việc không đúng theo quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức và có thể làm phát sinh TNBTCNN.
Nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém thì có nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan song theo quan điểm của ông Trần Trọng Hùng, Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, xuyên suốt quá trình giải quyết bồi thường. “Hoàn cảnh dù có khó khăn thế nào, nhưng nếu chấp hành viên là người thực sự có trách nhiệm, họ đều giải quyết được công việc được giao” – ông Hùng nhấn mạnh. 
Vì vậy, ngoài giải pháp đề cao vai trò của người đứng đầu cũng như tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng và công tác kiểm tra, giám sát thì rất cần đẩy mạnh giáo dục chính trị - tư tưởng cho đội ngũ CBCC, “không thể nói tốt, nói hay bằng việc được nhìn, được chứng kiến những tấm gương sống”.
Đồng tình với ông Hùng, ông Phạm Quốc Bảo (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) bày tỏ, “đổ thừa” cho cơ chế thị trường, cho xã hội chỉ là một phần bởi phần chủ yếu là do bản thân CBCC. Đánh giá CBCC hiện nay “rất khó” khi cách hành xử của CBCC đang có nhiều “vấn đề” nên ông Bảo tâm đắc với 6 điều mà CBCC cần biết là: biết người (chứ không phải biết mình), biết chào hỏi, biết cảm ơn, biết xin lỗi, biết giữ đúng lời hứa và biết học hỏi.
Ở góc độ địa phương, bà Tống Thị Thanh Nam (Sở Tư pháp TP.Hà Nội) kiến nghị chú trọng hơn nữa công tác phổ biến các quy định của Luật TNBTCNN cho cả CBCC và nhân dân. “Nếu nhân dân nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật, khi quyền lợi của mình bị xâm hại, họ sẽ tự mình hoặc nhờ người đại diện yêu cầu việc bồi thường theo quy định. Đây cũng chính là thước đo, cũng như sức ép của nhân dân, buộc CBCC phải rà soát việc áp dụng pháp luật trước khi ra các quyết định hành chính” – bà Nam phân tích.

Đọc thêm