Cần chế tài xử lý trường hợp lợi dụng KNTC xúc phạm tổ chức, cá nhân

(PLO) - Đây là một trong những giải pháp được nhiều đại biểu nêu lên tại Hội thảo một số nội dung cơ bản của đề tài khoa học cấp Bộ “Cơ sở lý luận và thực tiễn nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC) trong thi hành án dân sự (THADS)” do Bộ Tư pháp tổ chức hôm qua (24/5).
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy phát biểu khai mạc Hội thảo
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thanh Thủy nêu rõ, THADS là giai đoạn cuối của hoạt động tố tụng, đảm bảo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực trong thực tế. Tuy nhiên, việc tổ chức thi hành án động chạm trực tiếp đến quyền và lợi ích của người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan nên phát sinh nhiều khó khăn, phức tạp mang tính đặc thù.

Thực tế cho thấy có không ít người không chấp hành án, chống đối quyết liệt, KNTC kéo dài. Công tác giải quyết KNTC thời gian qua tuy đã có nhiều chuyển biến song vẫn nhiều vấn đề cần khắc phục. Do vậy, Hội thảo là cơ hội quý báu để các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, đánh giá đúng thực trạng, chỉ ra nguyên nhân, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết KNTC trong THADS.

Nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong giải quyết KNTC về THADS, đại diện Thanh tra Bộ Tư pháp chỉ rõ, về thể chế, Luật THADS đã quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc xem xét lại các quyết định giải quyết KN có hiệu lực pháp  luật của Cục trưởng Cục THADS, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS.

Tuy nhiên, chưa có văn bản quy định hoặc hướng dẫn về trình tự, thủ tục, thời hạn, giải quyết đối với các trường hợp này. Do đó, cần có quy định rõ và đầy đủ hơn về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết, hình thức giải quyết đối với các vụ việc thuộc trường hợp xem xét lại của Bộ trưởng đối với các quyết định giải quyết KN đã có hiệu lực pháp luật để tạo hành lang pháp lý cho công tác này. Ngoài ra, một số nội dung của Quy chế giải quyết KNTC và phản ánh, kiến nghị liên quan đến KNTC của Bộ Tư pháp đã không còn phù hợp, cần sửa đổi kịp thời để phù hợp thực tế hiện nay.

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng công tác giải quyết KNTC về THADS trong quân đội, đại diện Cục Thi hành án, Bộ Quốc phòng cho rằng cần nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu trong tiếp công dân, giải quyết KNTC. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh cán bộ tiếp công dân, chấp hành viên thực hiện tốt phương châm giải thích, thuyết phục kết hợp với làm công tác dân vận khi tiếp xúc, làm việc với đương sự, người nhà đương sự. Tăng cường đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe ý kiến của người KN để kịp thời giải thích, làm rõ nội dung, nguyên nhân dẫn đến KN. 

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết đơn thư KNTC, Cục THADS TP Hồ Chí Minh đề cập tới một số giải pháp như sử dụng hiệu quả phần mềm Quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án và báo cáo thống kê THADS, kịp thời nắm bắt tiến độ tổ chức thi hành án của chấp hành viên, kịp thời chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thi hành án. Thủ trưởng các cơ quan THADS tăng cường công tác tự kiểm tra, kịp thời chỉ đạo chấn chỉnh các thiếu sót, vi phạm của chấp hành viên, công chức trong quá trình tổ chức thi hành án; tăng cường và nâng cao trách nhiệm trong công tác tiếp công dân. 

Đối với những vụ việc có tính chất phức tạp, cơ quan THADS cần chủ động xây dựng kế hoạch tiếp công dân phù hợp, phối hợp với cơ quan chức năng ở địa phương có biện pháp vận động, giáo dục, thuyết phục đương sự tự nguyện thi hành án. 

Ngoài các giải pháp trên, còn có ý kiến đề xuất nghiên cứu chế định xử lý kiên quyết đối với những trường hợp lợi dụng quyền KNTC để kích động, gây rối, cản trở việc thi hành án. Cần quy định các biện pháp chế tài đối với trường hợp lợi dụng việc KNTC xúc phạm cơ quan và người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết  KNTC, nhất là những đối tượng xúi giục công dân thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết KNTC…

Tiếp đó, Hội thảo cũng đã được nghe đại diện lãnh đạo Vụ Giải quyết KNTC, Bộ Tư pháp giới thiệu một số đặc thù của công tác giải quyết KNTC trong lĩnh vực THADS như công tác này được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật về THADS và văn bản hướng dẫn trong nội bộ ngành THADS. Chủ thể, đối tượng, thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết KNTC trong THADS có đặc điểm riêng, khác với pháp luật về giải quyết KNTC ở các lĩnh vực khác. Các hoạt động của người có thẩm quyền giải quyết KNTC về THADS đều được giám sát bởi Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp và cấp trên. Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung trao đổi, thảo luận về giải pháp hoàn thiện pháp luật về THADS, kinh nghiệm giải quyết KNTC ở một số nước trên thế giới… 

Đọc thêm