Cần chủ động cung cấp thông tin chính thống về công tác thi hành án dân sự

(PLO) - Năm 2017 vừa qua là năm đầu tiên Hệ thống Thi hành án dân sự (THADS) thực hiện quy trình phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định mới của Luật Báo chí 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Mặc dù là năm đầu nhưng hoạt động truyền thông về THADS đã đạt nhiều kết quả nổi bật, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác này.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn tại Hội nghị tập huấn truyền thông, báo chí do Tổng cục THADS tổ chức
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Sơn tại Hội nghị tập huấn truyền thông, báo chí do Tổng cục THADS tổ chức

Đẩy mạnh phối hợp truyền thông với cơ quan báo chí

Điểm lại các tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng có thể thấy, các cơ quan thông tấn báo chí năm qua tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác THADS, thi hành án hành chính (THAHC). Theo đó, đã tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác THADS, THAHC; tạo điều kiện cho người dân theo dõi, phản hồi đối với chính sách, pháp luật và thực tiễn hoạt động THADS, THAHC của các cơ quan trong Hệ thống; định hướng, nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người dân trong quá trình thi hành án; phản ánh kịp thời nhiều hoạt động THADS, THAHC…

Về phía Hệ thống THADS, Bộ Tư pháp và Tổng cục THADS rất quan tâm hoàn thiện thể chế về phát ngôn, cung cấp và xử lý thông tin báo chí, tạo cơ sở pháp lý cho lĩnh vực trên đi vào nền nếp. Các cơ quan trong Hệ thống đã cử người phát ngôn và thực hiện ủy quyền phát ngôn theo quy định, chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong phát ngôn, nêu cao tính trách nhiệm trong phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.

Đặc biệt, các cơ quan trong Hệ thống đã chủ động hơn trong đối thoại, cung cấp thông tin một cách trung thực, toàn diện cho các cơ quan báo chí bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể là đăng tải nội dung phát ngôn và cung cấp thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Trang thông tin điện tử THADS; phát ngôn trực tiếp hoặc trả lời phỏng vấn của nhà báo, phóng viên; gửi thông cáo báo chí, nội dung trả lời cho cơ quan báo chí, nhà báo, phóng viên bằng văn bản hoặc thư điện tử; cung cấp thông tin qua trao đổi trực tiếp hoặc tại các cuộc giao ban báo chí do Trung ương, địa phương tổ chức; ban hành văn bản đề nghị cơ quan báo chí đăng, phát phản hồi, cải chính, xin lỗi nội dung thông tin trên báo chí. 

Riêng Tổng cục THADS luôn cử người phát ngôn của Tổng cục tham gia đầy đủ các buổi họp báo định kỳ của Bộ Tư pháp, kịp thời cung cấp thông tin phản hồi các cơ quan báo chí có câu hỏi liên quan đến công tác THADS, THAHC… Trong năm, Tổng cục cũng tiếp tục đẩy mạnh quan hệ phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam trong phối hợp tuyên truyền về công tác THADS và thiết lập quan hệ phối hợp với một số cơ quan truyền thông. Đáng chú ý, Tổng cục đã bước đầu thiết lập quan hệ phối hợp với Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong việc hướng dẫn nghiệp vụ về cung cấp, xử lý thông tin báo chí trong Hệ thống; chấn chỉnh những trường hợp cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin không chính xác, không đầy đủ về hoạt động THADS, THAHC…

Coi cơ quan truyền thông là đối tác

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thông tin về THADS, THAHC còn bộc lộ một số tồn tại. Chẳng hạn như thông tin truyền tải nghiêng về những tiêu cực, hạn chế mà thiếu đi những nội dung phản ánh các đóng góp của Hệ thống THADS, những tấm gương tận tụy, mẫu mực của cán bộ thi hành án. Một số vụ việc, đặc biệt là các vụ việc thi hành án phức tạp chưa được thông tin đầy đủ…

Trong cung cấp thông tin báo chí thì một số cơ quan trong Hệ thống THADS có tình trạng lúng túng, thiếu tự tin trước thông tin phản ánh của cơ quan truyền thông. Tính chủ động trong việc cung cấp thông tin về THADS chưa cao, dẫn đến có trường hợp thông tin không chính xác khiến dư luận hiểu không đúng bản chất vấn đề. Công tác theo dõi, xử lý thông tin báo chí của Tổng cục, các Cục THADS có chuyển biến song chưa chuyên nghiệp, thiếu kịp thời. Hoạt động phối hợp giữa cơ quan THADS với cơ quan tuyên giáo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và cơ quan truyền thông chưa thực sự tốt…

Để khắc phục những bất cập trên, nâng cao hiệu quả truyền thông về THADS, THAHC, Tổng cục THADS đưa ra rất nhiều giải pháp từ việc tiếp tục hoàn thiện thể chế nội bộ của Hệ thống THADS đến tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật hay thái độ ứng xử với các cơ quan có liên quan. Đối với cơ quan tuyên giáo, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cần tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan này để tham gia cung cấp thông tin về THADS, THAHC tại các buổi giao ban báo chí; phản ánh trường hợp cơ quan báo chí, phóng viên đăng tải thông tin không chính xác để cơ quan quản lý báo chí chấn chỉnh, xem xét xử lý.

Tổng cục cũng cho rằng cần coi cơ quan truyền thông là đối tác, đồng thời chủ động cung cấp thông tin với tư cách là người nắm giữ thông tin, tránh thái độ né tránh làm cơ quan báo chí khai thác thông tin ở những nguồn không chính thức, dễ tạo ra những thông tin thiếu khách quan. Cùng với quan hệ phối hợp sẵn có với các cơ quan truyền thông, cần mở rộng quan hệ với các cơ quan khác để đa dạng kênh thông tin truyền tải. Ngoài ra, cần phối hợp với Sở Tư pháp địa phương trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về THADS, trong đó phát huy vai trò của hệ thống phát thanh cơ sở…

Đọc thêm