Cần cơ chế bảo đảm phối hợp cho Thừa phát lại hoạt động hiệu quả

(PLO) - 5 tháng đầu năm 2017, hoạt động của các văn phòng Thừa phát lại (TPL) ở Hà Nội đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận về số lượng việc cũng như doanh thu. Trong đó, nhiều văn phòng có những bứt phá đáng kể, ngày càng thu hút người dân sử dụng các dịch vụ của TPL.
Thừa phát lại Hai Bà trưng tư vấn cho khách hàng.
Thừa phát lại Hai Bà trưng tư vấn cho khách hàng.

Từ 1/1/2017 – 31/5/2017, 8 văn phòng TPL ở Hà Nội đã tống đạt được 29.130 văn bản với doanh thu là 2.376.788.000 đồng, trong đó Văn phòng TPL Hoàn Kiếm tống đạt được lượng văn bản lớn nhất là 17.070, thu được 1.109.550.000 đồng. Các văn phòng  đã lập tổng số 1.794 vi bằng, đem về doanh thu 4.158.021.000 đồng.

Việc tống đạt cho các cơ quan, trong đó có thi hành án dân sự (THADS) đã giúp giảm tải công việc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác THA, giúp bảo đảm quyền lợi của các bên trong quá trình tổ chức THA, giảm khiếu nại, tố cáo trong THADS. Trong điều kiện Hà Nội vẫn thiếu chấp hành viên dẫn đến tình trạng quá tải công việc như hiện nay (bình quân trong 3 năm (2013, 2014, 2015) một chấp hành viên của Hà Nội phải thi hành 152 việc và 34,9 tỷ đồng.

Trong khi đó, qua đánh giá, mỗi chấp hành viên chỉ có thể thi hành được từ 80 đến 90 việc/một năm. Chưa kể, theo thống kê năm 2016 và những tháng đầu năm 2017 các cơ quan THADS trên địa bàn Hà Nội số lượng việc/tiền phải thi hành liên tục tăng so với các năm trước) thì việc tống đạt văn bản của TPL càng trở nên ý nghĩa. Nhận xét về công việc này của TPL, nhiều lãnh đạo cơ quan THADS đánh giá rất cao, nhất là qua giai đoạn thí điểm, hoạt động của TPL ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, đó là hiệu quả từ việc tống đạt văn bản giấy tờ, còn qua số liệu thống kê trong những tháng đầu năm các văn phòng TPL Hà Nội vẫn chưa ký được hợp đồng mới nào về xác minh điều kiện và trực tiếp tổ chức THA. Theo phản ánh của các TPL, yêu cầu của người dân đối với TPL trong lĩnh vực này chưa nhiều; việc xác minh điều kiện THA của TPL vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý, việc phối hợp với các cơ quan liên quan còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả.

Theo quy định hiện hành, TPL được quyền trực tiếp tổ chức thi hành theo đơn yêu cầu của đương sự đối với bản án, quyết định sơ thẩm đã có hiệu lực của Tòa án cấp huyện nơi TPL đặt văn phòng; bản án, quyết định phúc thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp huyện nơi TPL đặt văn phòng; quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án cấp tỉnh đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp huyện nơi TPL đặt văn phòng (những vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan THA cấp huyện).  Mặc dù số lượng việc THA của các văn phòng TPL thụ lý còn thấp nhưng bước đầu đã được sự thừa nhận và tin tưởng của xã hội; ngày càng tăng về số lượng, một số việc có giá trị đặc biệt lớn ở TP HCM.

Tuy nhiên, hoạt động THADS là một trong những hoạt động khó khăn, phức tạp, ngay cả các cơ quan THADS, các chấp hành viên trong rất nhiều năm đã có nhiều cố gắng, được sự quan tâm đầu tư, chỉ đạo, phối hợp nhiều từ lãnh đạo Đảng và Nhà nước, bộ, ngành và chính quyền các cấp mới hoàn thành được chỉ tiêu, nhiệm vụ. Trong khi đó, TPL là mô hình còn mới, kinh nghiệm chưa nhiều, phương tiện còn thiếu, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, người dân chưa có thói quen và chưa thực sự tin tưởng… nên việc tổ chức THA cũng như xác minh điều kiện THA của TPL nói chung, Hà Nội nói riêng còn nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, các TPL Hà Nội mong muốn cần quy định rõ thẩm quyền của TPL, nghiên cứu, xem xét trao quyền lớn hơn cho TPL cũng như các cơ chế bảo đảm phối hợp cho TPL hoạt động hiệu quả. Bản thân các văn phòng TPL cần nâng cao tính chuyên nghiệp, chủ động hơn trong công tác phối hợp, phát huy những cách làm mới để có thêm sự lựa chọn cho người dân trong việc xác minh điều kiện và tổ chức THA. Đồng thời, gánh vác một phần trách nhiệm về tổ chức THA; giảm tải cho cơ quan THADS,  nâng cao hiệu quả công tác này.

Đọc thêm