Cần có cơ chế vượt trội và cá nhân vượt trội cho đơn vị Hành chính-kinh tế đặc biệt

(PLO) -Hôm qua (10/11), Quốc hội họp tại tổ cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (HCKTĐB). Đa số các đại biểu (ĐB) đều đồng tình với quan điểm của Chính phủ về tính cấp thiết của dự án luật và cho rằng, để có sự phát triển kinh tế, văn hóa, tư pháp,... vượt trội so với các vùng, các địa phương cũng như của đất nước thì Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện dự án luật và Quốc hội (QH) sớm thông tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi thảo luận
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu tại buổi thảo luận

Cần luồng gió đặc biệt 

Một trong những vấn đề được ĐB quan tâm và cho ý kiến nhiều nhất tại các tổ đó là mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB. Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất và xin ý kiến QH về hai phương án. Phương án 1: không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) tại đơn vị HCKTĐB mà thực hiện thiết chế Trưởng Đơn vị HCKTĐB do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được phân quyền, phân cấp mạnh, có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB. Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án này. Phương án 2: Tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB gồm có HĐND và UBND. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long (ĐBQH tỉnh Kiên Giang), để phát triển mạnh mẽ về tất cả các mặt của một đặc khu thì chúng ta cần phải có cơ chế vượt trội, dứt khoát và dứt điểm. Bộ trưởng Long bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 1 Chính phủ đưa ra, bởi xét về mặt địa lý và ảnh hưởng tới dân cư thì người đứng đầu một đơn vị HCKTĐB phải kèm theo một cơ chế đặc biệt cho người này. “Từ những cơ chế đặc biệt, Trưởng Đơn vị HCKTĐB sẽ có quyền tác nghiệp nhanh, giảm bớt các thủ tục, giảm bớt các kênh và chịu trách nhiệm cá nhân về việc này”, Bộ trưởng Lê Thành Long nói và cho rằng đây là chìa khóa cho sự phát triển.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ngoài việc giảm bớt các kênh HĐND, UBND tại các Đơn vị HCKTĐB thì cũng cần giảm bớt cả các kênh giám sát. “Một kênh đảng, một kênh chính quyền và sự dân chủ của cư dân là đủ”- ông Long nhấn mạnh và đề nghị dự thảo cũng cần cụ thể hóa hơn nữa về phương thức hoạt động và nguyên tắc hoạt động, cách thức quản lý, thẩm quyền cũng như chịu trách nhiệm của Trưởng Đơn vị HCKTĐB.

Đồng quan điểm, ĐB Võ Văn Kim (Hải Dương) cho rằng, cần có một luồng gió mới, luồng gió mạnh mẽ thổi vào mô hình đặc biệt này. Theo đó, việc giao quyền lực nhiều hơn, mạnh mẽ hơn cho Trưởng Đơn vị HCKTĐB để triệt tiêu sự trì trệ, chờ đợi khi làm gì phải xin ý kiến của quá nhiều ban ngành, đoàn thể. “Một bộ máy đạt hiệu quả, tinh gọn, hiệu lực cần tránh cái gì cũng xin ý kiến tập thể mà phải trao quyền mạnh mẽ cho cá nhân. “Tránh trước đây là một mẹ, một cha mà sau này lại là một cha, hai mẹ”- ĐB ví von.

Cũng theo ĐB Kim, tại các đặc khu, quyền tự do, dân chủ của người dân phải được mở rộng hơn. “Làm sao quyền của người dân được thể hiện nhiều bằng cách mở các hội nghị đại biểu nhân dân và làm thường xuyên từng tháng, từng quý để Trưởng Đơn vị lấy ý kiến nhân dân trực tiếp và xử lý theo ý kiến nhân dân  mà không cần thông qua ban chấp hành, hội đồng”, ĐB Kim đê xuất và cho rằng, Chính phủ phải thực hiện thành công mô hình này để sau nhân ra nhiều nơi, nhiều địa phương hơn nữa. 

Xem xét kỹ mô hình tòa án

Về mô hình tòa án tại đơn vị HCKTĐB, thông tin thêm cho các ĐB tại tổ ngoài những tài liệu các ĐB được tiếp cận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật đang thiết kế theo hướng mở. Theo đó các nhà đầu tư nước ngoài có thể lựa chọn tòa án nước ngoài hoặc tòa án của Việt Nam để giải quyết các tranh chấp khiếu kiện của họ tại các đặc khu. “Tuy nhiên, việc tiện lợi, thoải mái của các nhà đầu tư nước ngoài chưa chắc đã tiện cho tư pháp chúng ta. Vì chỉ 1 tranh chấp nhỏ về đầu tư mà cũng đưa ra tòa án nước ngoài, buộc lúc đó chúng ta phải theo kiện(!)”, Bộ trưởng Lê Thành Long thẳng thắn cho biết.  Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, thay vì để các nhà đầu tư tự do lựa chọn tòa án các nước thì chúng ta nên tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ tư pháp trong nước để ngang bằng với các nước phát triển.

Về kinh doanh có điều kiện của Đặc khu, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, một bộ máy hành chính thông thoáng với các thủ tục giải quyết nhanh chóng và hệ thống tư pháp có năng lực mới là điều quan trọng nhất. “Chính những con người vận hành ở các khu này mới quan trọng nhất chứ đất đai cũng có từng đó, thuế cũng có từng đó... Chính vì thế, tôi cho rằng chúng ta nên tập trung đầu tư vào bộ máy hành chính, bộ máy tư pháp, đặc biệt là năng lực con người có đầy đủ tất cả các điều kiện cần thiết để làm việc… Chính vì thế ta phải chuẩn bị ngay từ bây giờ mới kịp”, ông Long đề nghị.

Hôm qua (10/11), QH làm việc tại hội trường nghe Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, sau hơn 10 năm thực hiện Luật Quốc phòng, Luật này đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội... Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc chưa được thể chế và cụ thể hóa; một số nội dung của Luật Quốc phòng năm 2005 chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quốc phòng… 

Thẩm tra về dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (UBQPAN) của QH Võ Trọng Việt cho biết: Quy định “tình trạng khẩn cấp về quốc phòng” tuy kế thừa Luật Quốc phòng năm 2005, nhưng Hiến pháp năm 2013 và nhiều luật ban hành gần đây chỉ quy định về “tình trạng khẩn cấp”. Do đó, Ban soạn thảo cần cân nhắc, đồng thời làm rõ về sự cần thiết quy định nội dung này. Đồng thời, Thượng tướng Võ Trọng Việt đề nghị cân nhắc quy định Bộ Quốc phòng “chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, các bộ, ngành, chính quyền địa phương liên quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ... duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới” tại dự thảo Luật để tránh chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an hoặc chỉ nên quy định thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc không quy định trong Luật này, vì đã có Luật Biên giới quốc gia và Pháp lệnh Bộ độI Biên phòng điều chỉnh.

Đọc thêm