Cần giải quyết nhiều vướng mắc về cưỡng chế thi hành án

(PLVN) - Dù không mong muốn nhưng trong trường hợp người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì chấp hành viên buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế. Thực tế các vụ cưỡng chế thi hành án dân sự (THADS) vốn đã tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhưng quy định pháp luật hiện hành cũng còn một số hạn chế, gây thêm khó khăn khi phải áp dụng biện pháp này. 
Cán bộ thi hành án nghiên cứu hồ sơ. (Ảnh minh họa)
Cán bộ thi hành án nghiên cứu hồ sơ. (Ảnh minh họa)

Quy định hiện hành còn nhiều vướng mắc

Vướng mắc đầu tiên phải đề cập liên quan đến kê biên quyền sử dụng đất. Theo khoản 2 Điều 110 Luật THADS quy định: “Người phải thi hành án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà thuộc trường hợp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc thuộc diện quy hoạch phải thu hồi đất, nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì vẫn được kê biên, xử lý quyền sử dụng đất đó”.

Quy định này mâu thuẫn với Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 và trên thực tế công chứng viên từ chối công chứng hợp đồng mua bán tài sản trong trường hợp quyền sử dụng đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Ngoài ra có quy định tại khoản 2 Điều 117 Luật THADS về việc cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất. Điều khoản hiện hành chưa quy định cụ thể để giải quyết đối với trường hợp tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật và trước khi có bản án phúc thẩm.

Hay trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên “buộc tháo dỡ, di dời nhà, cây trồng, công trình kiến trúc để giao trả quyền sử dụng đất; buộc tháo dỡ công trình kiến trúc trên đất để dành lối đi nhờ, lối tiêu thoát nước...” thì địa phương lúng túng không rõ áp dụng biện pháp cưỡng chế theo Điều 117 Luật THADS hay áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc thực hiện công việc nhất định theo Điều 118 Luật THADS rồi mới áp dụng biện pháp cưỡng chế theo Điều 117 Luật THADS.

Đáng chú ý, đa số các trường hợp phải thi hành cưỡng chế đều có ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, chây ì, cố tình kéo dài thời gian, cản trở việc thi hành án. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA của Bộ Tư pháp, Bộ Công an chỉ quy định về phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS, chưa quy định hỗ trợ chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản. 

Bên cạnh đó, theo điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS thì “số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó”.

Có điều, trường hợp đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án nhưng có người được thi hành án thứ 3 ở tỉnh khác đang ủy thác về. Khi nhận được hồ sơ ủy thác thì đã ra quyết định cưỡng chế, nhưng quyết định ủy thác lại được ban hành trước quyết định cưỡng chế.

Trường hợp này, vướng mắc ở chỗ khi thanh toán tiền cho người được thi hành án theo Điều 47 Luật THADS có thanh toán cho người thứ 3 hay không; trường hợp sau khi các đương sự thỏa thuận theo quy định khoản 6 Điều 24 Nghị định 62/2015/NĐ-CP nhưng đang thực hiện phát mãi tài sản mới phát sinh người được thi hành án mới thì người được thi hành án này có được ưu tiên thanh toán hay không.

Đồng thời, do chưa có hướng dẫn khi số tiền còn lại sau chi trả lần đầu theo quyết định cưỡng chế thì việc chi trả lần sau cho những người được thi hành án tiếp theo, cơ quan thi hành án phải ban hành một văn bản với hình thức như thế nào?...

Đề xuất phương án giải quyết

Về nội dung đầu tiên, trên thực tế đây là vướng mắc xuất phát từ quy định pháp luật chưa thống nhất. Tổng cục THADS cho biết vẫn đang phối hợp với các ngành liên quan trao đổi để thống nhất phương án thực hiện trong thời gian đề nghị xem xét sửa đổi quy định của các Luật nêu trên.

Đối với vướng mắc thứ 2, Tổng cục cũng đang nghiên cứu, xem xét và báo cáo để đề nghị sửa đổi bổ sung Luật theo hướng sẽ được xử lý tài sản gắn liền với đất hình thành sau khi có bản án sơ thẩm tại khoản 2 Điều 117 Luật THADS.

Riêng quy định phối hợp bảo vệ cưỡng chế, cần quy định bổ sung vào Thông tư theo hướng lực lượng Công an phối hợp bảo vệ cưỡng chế, tạm giữ tài sản trong THADS.

Để xử lý vướng mắc thứ 3, Tổng cục THADS lưu ý cần phân biệt các bản án, quyết định của Tòa án theo các trường hợp. Cụ thể, trường hợp bản án, quyết định được tổ chức thi hành chỉ có nội dung tuyên buộc tháo dỡ, di dời nhà ở, công trình xây dựng, vật kiến trúc trên đất... thì cơ quan THADS áp dụng quy định tại Điều 118 Luật THADS để tổ chức thi hành.

Trường hợp bản án, quyết định được tổ chức thi hành có nội dung tuyên buộc tháo dỡ, di dời tài sản để trả lại quyền sử dụng đất hoặc quyền sở hữu nhà thì ngoài việc áp dụng quy định tại Điều 118 Luật THADS, cơ quan THADS cần áp dụng thêm các điều luật tương ứng (như để cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất thì áp dụng bổ sung Điều 117 Luật THADS) để tổ chức cưỡng chế giao quyền sử dụng đất cho người được thi hành án.

Đối với vướng mắc cuối cùng, theo Tổng cục, phải xác định những người được thi hành án đã yêu cầu tính đến thời điểm cưỡng chế. Khi đã có quyết định ủy thác của cơ quan THADS nơi ủy thác thì người thứ 3 được coi là được thi hành án thuộc trường hợp bản án, quyết định đang do cơ quan THADS tổ chức thi hành nên được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP.

Còn việc các đương sự thỏa thuận giao tài sản để tổ chức định giá, bán đấu giá tài sản thì phát sinh người được thi hành án mới cũng được áp dụng khoản 1 Điều 49 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP để xác định những người được thi hành án đã yêu cầu tính đến thời điểm cưỡng chế và được thanh toán tiền thi hành án khi xử lý tài sản thi hành án. 

Đọc thêm