Cần một cơ quan điều phối tranh chấp đầu tư quốc tế cấp trung ương

(PLO) - Đang tồn tại một nghịch lý là các nhà đầu tư nước ngoài (NĐT) đến đầu tư tại Việt Nam thì chủ yếu thực hiện thủ tục pháp lý về đầu tư với cơ quan cấp tỉnh. Nhưng khi NĐT bất đồng với chính quyền địa phương và phải thực hiện tranh chấp pháp lý theo luật quốc tế thì người bị kiện là Chính phủ chứ không phải là chính quyền cấp tỉnh.
Thứ trưởng bộ KH&ĐT, ông Vũ Đại Thắng phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Thứ trưởng bộ KH&ĐT, ông Vũ Đại Thắng phát biểu đề dẫn tại hội thảo. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Mũi dại lái chịu đòn

Trình bày tại Hội thảo “Phòng ngừa và giảm thiểu khiếu nại, tranh chấp đầu tư quốc tế” do bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với Bộ Tư pháp đồng tổ chức mới đây, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP HCM cho biết trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố cũng đã phát sinh một số dự án nhà đầu tư nước ngoài đã kiện Chính phủ Việt Nam ra các cơ quan tài phán quốc tế. 

“Qua rà soát, hiện nay Sở KH&ĐTTP HCM đang tiếp nhận và giải quyết 8 vụ việc có khả năng chuyển thành tranh chấp quốc tế giữa nhà đầu tư nước ngoài và chính phủ Việt Nam”, bà Mai thông tin.

Tại Khánh Hòa, ông Trần Minh Hải, phó giám đốc sở KH&ĐT cho biết Sở này cũng đang giải quyết 4 vụ khiếu nại: 1 vụ về thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo hình thức hợp đồng BT; 1 vụ về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ; 2 vụ tranh chấp vụ chuyển nhượng vốn giữa cổ đông trong nước và ngoài nước. Trong đó, đáng chú ý có 2 vụ, nếu phải giải quyết tranh chấp theo luật quốc tế thì bị đơn sẽ là Chính phủ Việt Nam chứ không phải là UBND tỉnh Khánh Hòa.

Nguồn cơn của sự việc

Nguyên cớ của câu chuyện, như trường hợp tại TP HCM, đại diện sở KH&ĐT nêu 4 lý do: 1. Nhiều dự án FDI được cấp phép trong buổi đầu của thời mở cửa nay sắp hết hạn hoạt động mà không còn phù hợp với quy hoạch mới nên bất đồng về việc gia hạn; 2. Việt Nam tham gia ngày càng nhiều các Hiệp định thương mại nên việc theo dõi và áp dụng gặp khó khăn; 3. Chất lượng cán bộ tham gia giải quyết tranh chấp yếu về chất lượng và thiếu về số lượng; 4. Công tác phối hợp giải quyết tranh chấp giữa các cơ quan nhà nước chưa được đồng bộ.

Đại diện sở KH&ĐT Khánh Hòa cũng công nhận, một số thủ tục đầu tư còn bị bỏ sót khi cấp phép cho NĐT dẫn đến việc NĐT khiếu nại các quyết định hành chính của tỉnh. Đồng thời tỉnh cũng chưa thực hiện tốt công tác thẩm định năng lực của NĐT khi giao thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT. 

Về nguyên nhân nói trên của Khánh Hòa, Thứ trưởng bộ Tư pháp, Nguyễn Khánh Ngọc, đồng chủ trì hội thảo, cho rằng “chiều lòng nhà đầu tư đến mức thái quá”. Theo thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, đây không phải là lỗi của riêng Khánh Hòa mà nhiều địa phương khác cũng "vướng".

“Đầu tư là một quá trình lâu dài chứ không như thương mại mua bán xong là xong. Con đường dài hàng chục mét nhưng chỉ trải thảm chỉ vài mét là hết sức nguy hiểm”, người đồng chủ trì hội thảo ví von.

Thứ trưởng bộ Tư pháp, Nguyễn Khánh Ngọc: “Đầu tư là một quá trình lâu dài. Con đường dài hàng chục mét nhưng chỉ trải thảm chỉ vài mét là hết sức nguy hiểm”. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Thứ trưởng bộ Tư pháp, Nguyễn Khánh Ngọc: “Đầu tư là một quá trình lâu dài. Con đường dài hàng chục mét nhưng chỉ trải thảm chỉ vài mét là hết sức nguy hiểm”. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Ngoài ra, đại diện sở KH&ĐT Khánh Hòa cũng phân tích thêm 2 nguyên nhân nữa là việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình xử lý khiếu nại của NĐT chưa thực sự hiệu quả cũng như tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các khiếu nại, tranh chấp của NĐT.

Về nguyên nhân thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình xử lý khiếu nại của NĐT, theo ông Trần Văn Hùng, giám đốc sở KH&ĐT tỉnh Quảng Ninh, hiện nay quy chế để tổ chức giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế ở cấp tỉnh là Quyết định 04/2014/QĐ-TTg (Về việc ban hành Quy chế phối hợp trong giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế). Nhưng khi triển khai trong thực tế thì “không có bộ phận chuyên trách tham mưu thực hiện các nội dung liên quan đến phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế. Mặt khác cán bộ công chức sở tư pháp cũng như các sở, ngành khác đều thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này”.

Kinh nghiệm quốc tế và điều cần làm tại Việt Nam

Tham dự hội thảo, ngoài đại diện của ngành tư pháp, KH&ĐT còn có đại diện doanh nghiệp, giới luật sư, giới học thuật, chuyên gia về trọng tài thương mại quốc tế... Nhiều tham luận đề thống nhất quan điểm rằng muốn phòng ngừa và giảm thiểu khiếu nại, tranh chấp đầu tư quốc tế thì phải làm tốt công tác quản lý các vướng mắc, bao gồm phát hiện vấn đề và giải quyết vướng mắc trước khi phải kéo nhau đến các cơ quan tài phán quốc tế.

Nhóm tác giả Nguyễn Thanh Tú (tiến sĩ luật học, Bộ Tư pháp), Lê Thị Ngọc Hà (NCS khoa Luật, đại học La Trobe, Australia) tham dự hội thảo với đề tài nghiên cứu chính sách phòng ngừa và quản trị tranh chấp quốc tế của một số quốc gia và đề xuất phương án áp dụng tại Việt Nam. 

NCS Lê Thị Ngọc Hà với đề tài nghiên cứu chính sách phòng ngừa và quản trị tranh chấp quốc tế của một số quốc gia và đề xuất phương án áp dụng tại Việt Nam. Ảnh: Võ Anh Tuấn
NCS Lê Thị Ngọc Hà với đề tài nghiên cứu chính sách phòng ngừa và quản trị tranh chấp quốc tế của một số quốc gia và đề xuất phương án áp dụng tại Việt Nam. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Theo đó, Peru và Colombia với cơ chế tổng thể lực định về phòng ngừa tranh chấp; Hàn Quốc và Nga với thiết chế thanh tra đầu tư để giải quyết yêu cầu, vướng mắc của NĐT; Mexico với dự án phòng ngừa tranh chấp và giải quyết vướng mắc của NĐT bởi cơ quan xúc tiến đầu tư. Các mô hình này có chung đặc điểm là có văn phòng/cơ quan cấp trung ương để làm đầu mối chủ động tiếp nhận các vướng mắc của NĐT, từ đó ngăn chặn tranh chấp ngay từ vòng hòa giải chứ không để phát sinh kiện tụng.

Chuyên gia tư vấn của Tổ chức Tài chính Quốc tế, ông Nguyễn Hưng Quang đem đến hội thảo mô hình “Cơ chế phản hồi NĐT có hệ thống” (SIRM). Theo đó, về cơ bản cũng cần có cơ quan hành chính chịu trách nhiệm điều phối thông tin và là đầu mối phản hồi thông tin cho các vướng mắc của NĐT. Cần có cơ chế cảnh báo sớm cho phép cơ quan đầu mối biết về vướng mắc càng sớm càng tốt để quản lý các vướng mắc.

“Cơ chế phản hồi NĐT có hệ thống” (SIRM). Ảnh chụp từ tham luận của ông Nguyễn Hưng Quang
“Cơ chế phản hồi NĐT có hệ thống” (SIRM). Ảnh chụp từ tham luận của ông Nguyễn Hưng Quang

Đại diện công ty luật quốc tế Freshfields Bruckhaus Deringer cũng đến chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo. Luật sư Lexi Menish cho rằng để phòng tránh tranh chấp thì cần hợp nhất và quản lý thông tin ISDS (cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế) và thành lập Nhóm cố vấn nghĩa vụ đầu tư. 

Đại diện công ty luật quốc tế Freshfields Bruckhaus Deringer, luật sư Lexi Menish với đề xuất thành lập Nhóm cố vấn nghĩa vụ đầu tư. Ảnh: Võ Anh Tuấn
Đại diện công ty luật quốc tế Freshfields Bruckhaus Deringer, luật sư Lexi Menish với đề xuất thành lập Nhóm cố vấn nghĩa vụ đầu tư. Ảnh: Võ Anh Tuấn

Hợp nhất và quản lý thông tin ISDS gồm: hợp nhất các cam kết IIA/ISDS vào cơ sở dữ liệu trung tâm. Trung tâm này được cập nhật thường xuyên và cho phép chính quyền các cấp được quyền truy cập;“Nhóm cố vấn nghĩa vụ đầu tư”là đầu mối tập trung để tư vấn về việc tuân thủ các chính sách, biện pháp và quyết định của cơ quan nhà nước với nghĩa vụ đầu tư quốc tế của Việt Nam. Các thành viên của Nhóm phải được đào tạo về luật và có kinh nghiệm trong giải quyết các vấn đề quốc tế công và đàm phán IIA.

“Nhóm cố vấn nghĩa vụ đầu tư” theo với chức năng như mô tả của đại diện công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer thực chất cũng là một cơ quan điều phối tranh chấp đầu tư quốc tế cấp trung ương.

Thứ trưởng bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng đồng chủ trì hội thảo đánh giá cao đóng góp của các tham luận và cho biết sẽ tập hợp nội dung để báo cáo tổng kết 30 năm đầu tư nước ngoài.

Đọc thêm