Cân nhắc đầu mối thực hiện chuyển phát hồ sơ thủ tục hành chính

(PLO) - Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo xung quanh Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Một trong những nội dung đang nghiên cứu về đầu mối thực hiện dịch vụ chuyển phát hồ sơ thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân đã được Lãnh đạo Bộ cho ý kiến chỉ đạo.
Cân nhắc đầu mối thực hiện chuyển phát hồ sơ thủ tục hành chính

Có nên mở rộng cho hơn 200 doanh nghiệp?

Theo báo cáo, trong quá trình trao đổi, thảo luận về nội dung của Dự thảo Quyết còn có ý kiến khác nhau về đầu mối thực hiện dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Cụ thể, đa số đều nhất trí về việc không nên xác định đích danh một doanh nghiệp bưu chính thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân vì Điều 6 Luật Cạnh tranh không cho phép. Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ bưu chính đều được tham gia cung ứng dịch vụ này.

Giải trình về vấn đề trên, Cục Kiểm soát TTHC cho biết, thi hành quy định của Luật Bưu chính, đến thời điểm ngày 30/6/2016, có 214 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu chính (thực hiện dịch vụ chuyển phát thư, gói, kiện hàng hóa phục vụ nhu cầu xã hội) trên địa bàn cả nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông) cấp phép. Các doanh nghiệp này đang tiến hành cung ứng dịch vụ bưu chính theo nguyên tắc cạnh tranh, với hình thức sở hữu đa dạng, mạng lưới bao phủ cũng như độ tin cậy trong quá trình chuyển phát ở các mức độ khác nhau. 

Kết quả thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong số 214 doanh nghiệp được cấp phép, có 205 doanh nghiệp đang hoạt động, 1 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, còn 8 doanh nghiệp đã ngừng hoạt động. Trong số 205 doanh nghiệp đang hoạt động, có 12 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 50 tỷ đồng (chiếm 5,86%), 7 doanh nghiệp có phạm vi mạng lưới từ 20 đơn vị trở lên (chiếm 3,41%). Do tác động của cơ chế thị trường mà việc giải thể, phá sản doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, chuyển đổi chủ sở hữu, người đứng đầu các doanh nghiệp này là một thực tế diễn ra thường xuyên. Những thay đổi đó sẽ có khả năng ảnh hưởng xấu đến bảo đảm an ninh, an toàn trong việc chuyển phát hồ sơ liên quan đến cá nhân công dân và tổ chức.

Là một công đoạn của Nhà nước

Như vậy, nếu mở rộng cho hơn 200 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính thì sẽ không bảo đảm an ninh, an toàn cho tổ chức, cá nhân trong quá trình gửi/nhận hồ sơ, trong đó có những giấy tờ rất quan trọng như chứng minh nhân dân, hộ chiếu, các loại văn bằng, chứng chỉ và những giấy tờ khác là kết quả thực hiện TTHC. Vì thế, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết, Dự thảo Quyết định đang theo phương án Thủ tướng Chính phủ giao cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thực hiện tiếp nhận, trả hồ sơ giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu mà không mở rộng ra cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính khác.

Giải đáp câu hỏi của Bộ trưởng về rà soát các quy định pháp luật quốc tế có liên quan, đại diện Vụ Pháp luật quốc tế khẳng định, quy định như Dự thảo Quyết định là phù hợp, có thể yên tâm là không trái pháp luật quốc tế và những cam kết về thương mại dịch vụ. Vị đại diện phân tích, khi trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam chúng ta không cam kết ràng buộc các dịch vụ về bưu chính, chỉ có mảng hoạt động chuyển phát nhanh nhưng vẫn có ngoại lệ (TTHC liên quan đến giấy tờ công dân, bí mật cá nhân).

Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng lo ngại nếu mở rộng cho hơn 200 doanh nghiệp cùng làm sẽ rất phức tạp bởi giấy tờ công dân rất nhiều nội dung bí mật, quan trọng. Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đề nghị khi giao cho doanh nghiệp thì phải quy định xem xét doanh nghiệp ấy có đủ điều kiện về kinh nghiệm, năng lực, mạng lưới hoạt động hay không.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Lê Thành Long bày tỏ sự đồng tình là không nên quy định cụ thể doanh nghiệp nào làm đầu mối trong Dự thảo Quyết định vì đó là vi phạm Luật Cạnh tranh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long nhấn mạnh, đây không phải dịch vụ bưu chính thông thường mà việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC là một công đoạn của Nhà nước nhằm phục vụ người dân.

Từ kinh nghiệm được Bộ trưởng trực tiếp tham khảo qua các chuyến công tác thì một số nước đang áp dụng cách tương tự mà Dự thảo Quyết định đưa ra. Chẳng hạn, Canada chỉ giao cho một doanh nghiệp độc quyền hay ở Nhật Bản cũng có một công ty của Nhà nước tiến hành suốt một thời gian dài và mới mở cho một hệ thống cửa hàng tiện ích sau khi được cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện để trình phương án tối ưu nhất lên Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Đọc thêm