Cần phân biệt rõ người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

(PLVN) -Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn xét xử vụ án dân sự được xác định trong bản án, quyết định của Tòa án liệu có phải chính là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong thi hành chính bản án dân sự đó hay không? Đây là vấn đề còn có sự nhầm lẫn, gây ảnh hưởng tới quyền lợi của đương sự trong thi hành án.

Liên quan tới vấn đề nêu trên, có thể nhận thấy, khi một bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực và được đưa ra thi hành thì trên thực tế có một số khả năng có thể xảy ra. Thứ nhất, người xuất hiện tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn xét xử vụ án dân sự nhưng không hẳn là sẽ có quyền xuất hiện với tư cách đó trong giai đoạn thi hành bản án đó, mà còn phụ thuộc vào quyền và nghĩa vụ của các bên phải thực hiện trong nội dung bản án.

Ví dụ: A  cho B mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; B dùng nó để thế chấp vay vốn tại ngân hàng C, sau đó A khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy hợp đồng thế chấp giữa B và ngân hàng C do những sai phạm trong ký kết hợp đồng thế chấp. Tòa án xác định A là bên khởi kiện, ngân hàng C là bên bị kiện; B là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. 

Bản án có hiệu lực của Tòa án tuyên hủy hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất giữa B và ngân hàng C, buộc ngân hàng trả lại cho A giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Như vậy, với nội dung bản án trên thì ở giai đoạn thi hành án thì chỉ xuất hiện hai chủ thể là người được thi hành án là A, người phải thi hành án là ngân hàng C; còn B không xuất hiện với tư cách gì cả. B không thể là chủ thể có quyền yêu cầu cơ quan THADS ra quyết định thi hành án buộc ngân hàng C trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mình.

Khả năng thứ hai, người xuất hiện với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn thi hành án thì chưa chắc trước đó đã xuất hiện với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong bản án dân sự.

Ví dụ: trong bản án kiện đòi tiền cho vay, A là nguyên đơn, B là bị đơn, không có người có người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Nội dung bản án có hiệu lực pháp luật tuyên: A có nghĩa vụ trả cho B 30 triệu đồng. Sau khi bản án tuyên, A có đơn yêu cầu thi hành án thi hành bản án, cơ quan THADS tiến hành xác minh vợ chồng B có tài sản có ngôi nhà trên đất. Do đó, khi tiến hành kê biên để xử lý tài sản thì mới xuất hiện chủ thể là chồng chị B tham gia với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vì tài sản phải kê biên để phân chia thực hiện nghĩa vụ thi hành án của chị B có liên quan tới tài sản chung vợ chồng.

Khả năng thứ ba, người phải thi hành án theo bản án, quyết định và người thứ ba dùng tài sản của mình để bảo đảm thực hiện đối với nghĩa vụ của người phải thi hành án. Ví dụ: A vay vốn ngân hàng 10 tỷ đồng. A dùng tài sản của mình để bảo đảm khoản vay và dùng tài sản là nhà đất của B để bảo đảm khoản vay 1 tỷ trong số 10 tỷ nêu trên. Bản án tuyên xử lý các tài sản để thi hành án. 

Như vậy, có thể thấy người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được xác định trong bản án có hiệu lực của Tòa án không đồng nhất người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong giai đoạn thi hành chính bản án đó. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được xác định trong bản án có hiệu lực của Tòa án có thể xuất hiện với hai tư cách là người được thi hành án hoặc người phải thi hành án trong giai đoạn thi hành án. 

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xác định trong bản án (mà bản án đó xác định họ được hưởng quyền) có đơn yêu cầu phù hợp với nội dung quyền được hưởng thì họ trở thành người được thi hành án, do vậy họ được phép thực hiện những quyền được quy định tại Điều 7 Luật THADS về quyền của người được thi hành án. 

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được xác định trong bản án là người thứ ba dùng tài sản của mình thế chấp, bảo lãnh để bảo đảm cho khoản nghĩa vụ nhất định (khoản vay vốn, khoản trả nợ…) nhưng đến giai đoạn thi hành án, nếu bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ, phải xử lý tài sản thế chấp thì lúc này chưa rõ tư cách của họ là người phải THA hay người có quyền, nghĩa vụ liên quan. Nhiều ý kiến cho rằng họ trở thành người phải thi hành án, do vậy họ được phép thực hiện những quyền được quy định tại Điều 7a Luật THADS về quyền của người phải thi hành án.

Do vậy, cơ quan THADS cần nghiên cứu kỹ nội dung bản án, quyết định của Tòa án và các quy định của pháp luật về THADS để xác định chính xác người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong THADS, từ đó đảm bảo quyền lợi của các bên.

Đọc thêm