Cần phát huy 'dấu ấn' của Bộ Tư pháp

(PLO) - Chiều 11/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có buổi làm việc về tổ chức, hoạt động của Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (Chương trình 585). 
Cần phát huy 'dấu ấn' của Bộ Tư pháp

Báo cáo với Lãnh đạo Bộ các hoạt động của Chương trình 585 thời gian qua, ông Trần Minh Sơn cho biết, Chương trình nổi lên 3 hoạt động có ích gồm hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp (DN) trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình; hoạt động đối thoại; hoạt động hỗ trợ DN nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, chia sẻ một số vướng mắc, khó khăn trong thực hiện Chương trình, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến – Phó Trưởng ban Quản lý Chương trình cho rằng, cần thay đổi mô hình sắp tới, trong đó phải kiện toàn tổ chức cán bộ, phải có người chuyên trách để không bỏ bê công việc, phải gắn kết được hoạt động của Chương trình 585 với hoạt động của Câu lạc bộ Pháp chế DN, tổ chức pháp chế bộ, ngành, DN một cách hiệu quả.

Bộ trưởng phát biểu chỉ đạo buổi làm việc.
Bộ trưởng phát biểu chỉ đạo buổi làm việc.

Kinh phí không nhiều nhưng tác động tích cực

Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Nguyễn Thanh Tú cũng nhận định, so với nhiều chương trình khác, kinh phí của Chương trình 585 không nhiều nhưng tác động tích cực đối với DN đã được ghi nhận thông qua đánh giá độc lập. Chuyên mục phổ biến pháp luật cho DN trên VTV, VOV tới đây phải đổi mới, nâng cao chất lượng hơn nữa để “không đi vào lối mòn”. Ông Tú bày tỏ hy vọng trong năm nay sẽ phát triển hoạt động đối thoại giữa lãnh đạo Bộ với DN về các vấn đề mới, nóng của đất nước liên quan đến Bộ, ngành Tư pháp.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế Nguyễn Đỗ Kiên nhấn mạnh, Chương trình 585 thể hiện dấu ấn của Bộ Tư pháp, nổi bật là chuyên mục Kinh doanh và Pháp luật trên sóng phát thanh, truyền hình đã tạo sự lan tỏa của Chương trình 585, cùng nhìn nhận và thảo luận về các vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật mà DN, xã hội quan tâm. Có điều, ông Kiên cho rằng, hỗ trợ pháp lý cho DN phải khác với trợ giúp pháp lý, không đơn thuần chỉ là tập huấn, đưa thông tin cho DN. Bên cạnh đó, hoạt động đối thoại cần cân nhắc thực hiện sao cho hiệu quả, tránh chồng lấn với các bộ, ngành khác.

Nhấn mạnh bối cảnh hiện nay Chính phủ rất quan tâm đến DN, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu quan niệm, Chương trình 585 là một lợi thế của ngành Tư pháp. Tuy nhiên, thời gian qua chưa được khai thác tối đa, một trong những nguyên nhân là mục chi cho hoạt động còn khiêm tốn nên không thu hút được chuyên gia, không có cán bộ chuyên nghiệp làm Chương trình. 

Tạo thói quen sử dụng hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp

Chia sẻ những tồn tại của Chương trình, Thứ trưởng cho rằng tới đây cần thực sự tạo thói quen, nền nếp sử dụng hỗ trợ pháp lý của DN, coi đây là một loại “đường cao tốc” thúc đẩy phát triển. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị tập trung hưởng ứng chủ trương Quốc gia khởi nghiệp của Chính phủ, đẩy mạnh mạng lưới tư vấn để hỗ trợ trực tiếp cho DN tại các địa bàn, làm tốt các chương trình phổ biến pháp luật trên phát thanh – truyền hình và kết nối với các đơn vị thuộc Bộ để tăng giá trị sử dụng các kết quả đầu ra. 

Hoan nghênh những nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được các kết quả nhất định của các cán bộ tham gia Chương trình 585, Bộ trưởng Lê Thành Long chỉ ra một số hạn chế, trong đó lưu ý còn tình trạng dàn trải một số hoạt động. Đồng thời, Bộ trưởng cũng chỉ đạo nghiên cứu xem hộ kinh doanh cá thể có thuộc đối tượng thụ hưởng Chương trình hay không để tạo thói quen sử dụng hỗ trợ pháp lý. 

Đồng tình phải có sự chia sẻ các kết quả đã có của Chương trình cho các đơn vị thuộc Bộ, Bộ trưởng yêu cầu phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ về kiện toàn tổ chức sao cho đáp ứng điều kiện là cắt khâu trung gian, vận dụng cơ chế linh hoạt hơn để động viên những cán bộ làm Chương trình…

Đọc thêm