Cần quy định rõ cách xử lý khi cố tình thực hiện giao dịch nhằm trốn tránh thi hành án

(PLVN) - Hiện nay, việc chủ sở hữu sử dụng tài sản thi hành án thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản sau thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật diễn ra khá phổ biến. Trong khi đó, Điều 24, Nghị định 62/2015/NĐ-CP chưa giải quyết được triệt để vấn đề này nên cơ quan THADS còn lúng túng và có các cách giải quyết khác nhau, dẫn đến hiệu quả không cao và phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo.


Cần quy định rõ cách xử lý khi cố tình thực hiện giao dịch nhằm trốn tránh thi hành án

Theo quy định của Luật THADS thì các giao dịch liên quan đến tài sản sau thời điểm có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật sẽ không được công nhận và tài sản sẽ bị xử lý để thi hành án. Tuy nhiên, với từng loại giao dịch thì cần có cách xử lý khác nhau (trường hợp đã thực hiện giao dịch nhưng chưa/đã hoàn thành việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng đất). Trong khi đó, khoản 1, Điều 24, Nghị định 62/2015/NĐ-CP hiện hành chưa giải quyết được triệt để vấn đề này.

Do đó, để phù hợp hơn với quy định tại Điều 75 Luật THADS, đồng thời quy định rõ cách thức xử lý đối với các trường hợp người phải thi hành án cố tình thực hiện các giao dịch nhằm trốn tránh việc thi hành án, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 62/2015/NĐ-CP đã quy định phương án xử lý đối với từng trường hợp nêu trên.

Cụ thể, đối với trường hợp tài sản đã bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp khẩn cấp tạm thời, biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án mà bị chuyển đổi, tặng cho, bán, chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố thì vẫn giữ nguyên quy định hiện hành là vẫn bị kê biên, xử lý. Đồng thời bổ sung thêm trường hợp cho thuê đối với loại tài sản này thì cũng bị kê biên, xử lý.

Trường hợp người phải thi hành án thực hiện các giao dịch nhằm chuyển quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất nhưng chưa hoàn thành việc chuyển quyền thì Dự thảo Nghị định xác định đây vẫn đang là tài sản của người phải thi hành án (dù người phải thi hành án thực hiện giao dịch này trước hay sau thời điểm có bản án) thì vẫn kê biên, xử lý. Trường hợp có tranh chấp thì Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 75; trường hợp cần tuyên bố giao dịch vô hiệu hoặc cần yêu cầu cơ quan có thẩm quyền hủy giấy tờ liên quan đến giao dịch thì Chấp hành viên thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật THADS.

Song, thực tế cho thấy, tuy người phải thi hành án chưa hoàn thành việc chuyển giao tại cơ quan đăng ký đất đai nhưng khi họ hoàn tất hợp đồng chuyển giao tại Phòng hoặc Văn phòng công chứng thì việc chuyển giao được coi là đã hoàn thành, tài sản đó không còn thuộc sở hữu của người phải thi hành án. Vì vậy, cần làm rõ các quy định về chuyển giao tài sản thi hành án đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Còn người phải thi hành án thực hiện các giao dịch nhằm chuyển quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất nhưng đã hoàn thành việc chuyển quyền. Trường hợp này, cần thêm căn cứ giao dịch phải thực hiện sau thời điểm bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì không bị kê biên mà hướng dẫn theo khoản 2 điều 75 Luật THADS. 

Một trường hợp khác là người phải thi hành án thực hiện các giao dịch khác về tài sản như: cầm cố, thế chấp, cho thuê, cho mượn, cho vay…; cho thuê quyền hưởng dụng, quyền bề mặt đối với tài sản…nhưng không chuyển giao quyền sở hữu tài sản, chuyển quyền sử dụng đất thì xác định đây vẫn là tài sản của người phải thi hành án nên vẫn kê biên, xử lý. Quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia giao dịch được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, liên quan tới vấn đề kê biên, cưỡng chế, giao tài sản, Dự thảo Nghị định cũng sửa đổi khoản 6, Điều 24 để đảm bảo phù hợp với quy định của Luật THADS. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 47 Luật THADS thì số tiền thi hành án thu theo quyết định cưỡng chế thi hành án được thanh toán cho những người được thi hành án tính đến thời điểm có quyết định cưỡng chế đó. 

Như vậy, trong trường hợp đương sự đã thỏa thuận tự nguyện giao tài sản để thi hành án theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 7a Luật THADS, sau đó phát sinh thêm người được thi hành án khác, nếu căn cứ quy định trên thì những người được thi hành án được người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản để thi hành án không thuộc trường hợp được ưu tiên (vì trong trường hợp này không có quyết định cưỡng chế) là chưa phù hợp với nguyên tắc khuyến khích việc tự nguyện thi hành án của pháp luật hiện nay. Do đó, Dự thảo quy định cụ thể theo hướng xác lập biên bản làm cơ sở để Chấp hành viên giao tài sản theo thỏa thuận hoặc tổ chức việc định giá, bán tài sản và xác định thứ tự ưu tiên thanh toán.  

Đọc thêm