Cần sớm ban hành Luật về theo dõi thi hành pháp luật

(PLO) - Trong khuôn khổ Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Bộ Tư pháp vừa tổ chức liên tiếp hai Hội nghị tại Hà Nội và TP HCM để đánh giá kết quả thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (THPL) và đề xuất những nội dung sửa đổi với Nghị định này. 
Một cuộc tọa đàm lấy ý kiến đánh giá kết quả thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.
Một cuộc tọa đàm lấy ý kiến đánh giá kết quả thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP.

Cân nhắc thu hẹp nội dung theo dõi THPL

Báo cáo tình hình thi hành Nghị định số 59, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi THPL (QLXLVPHC&TDTHPL) Hồ Quang Huy cho biết, việc thực hiện Nghị định những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương. 

Trong đó, đã từng bước củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác theo dõi tình hình THPL được quan tâm, các đơn vị có chức năng theo dõi tình hình THPL. Hoạt động quản lý nhà nước về công tác theo dõi tình hình THPL được đẩy mạnh; hoạt động tổ chức bồi dưỡng kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ về công tác theo dõi tình hình THPL được chú trọng… Những kết quả trên đã giúp tăng cường vị trí, vai trò của công tác theo dõi tình hình THPL, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh và hội nhập quốc tế.

Tập trung phân tích các vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai Nghị định 59, ông Huy đề xuất, định hướng một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung. Chẳng hạn, Nghị định 59 chỉ quy định đối tượng áp dụng là bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp mà không quy định áp dụng với các tổ chức, cá nhân là chưa đầy đủ. Vì vậy, dự kiến bổ sung thêm đối tượng áp dụng là “người có thẩm quyền và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan” nhằm bảo đảm trách nhiệm thực thi công tác theo dõi tình hình THPL của cả hệ thống chính trị, các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân.

Đáng chú ý, nội dung TDTHPL “bị” hầu hết các bộ, ngành, địa phương nhận xét là quá rộng, phức tạp, chỉ mang tính hình thức, chưa đưa ra các tiêu chí cụ thể, định lượng chính xác để làm cơ sở đánh giá, xác định trách nhiệm của các cơ quan thực hiện TDTHPL khiến cho hoạt động này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, nội hàm của hoạt động theo dõi tình hình THPL và hoạt động tổ chức thực hiện pháp luật chưa được phân định rõ. 

Trên cơ sở đó, việc sửa đổi sẽ cân nhắc thu hẹp nội dung TDTHPL, chỉ yêu cầu các nội dung có khả năng thực hiện được theo hướng xác định các nội dung tiêu chí rõ ràng để xem xét, đánh giá THPL đối với từng cấp độ theo dõi. Dự kiến bao gồm theo dõi chung việc THPL; theo dõi việc thi hành một lĩnh vực pháp luật; theo dõi việc thi hành một văn bản quy phạm pháp luật; theo dõi việc THPL đối với một vụ việc, một vấn đề cụ thể.

Phải thay đổi nhận thức của mỗi người khi thực hiện pháp luật

Các đại biểu tham dự các Hội nghị bày tỏ đồng tình, đánh giá cao những phân tích và dự kiến nội dung sửa đổi Nghị định của Cục QLXLVPHC&TDTHPL. Ngoài ra, các đại biểu đã cho ý kiến xác đáng về những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung để có thể giải quyết triệt để các vấn đề có liên quan phát sinh trong thực tiễn thi hành Nghị định 59.

Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thanh Tịnh chia sẻ, TDTHPL và tổ chức THPL hiện là vấn đề khó, phức tạp, liên quan trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Bởi thế, để phát huy hiệu quả công tác này, theo ông Tịnh, trước hết cần phải hoàn thiện thể chế, đảm bảo tính hệ thống và toàn diện, đồng thời phải thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân, tổ chức khi thực hiện pháp luật.

Bàn về tiêu chí theo dõi và đánh giá tình hình THPL, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Hữu Trúc cho rằng, việc xác định tiêu chí đánh giá tính khả thi của chính sách, văn bản cần gắn với việc xác định tiêu chí đánh giá khả năng phản ứng chính sách của cơ quan quản lý nhà nước, tính thống nhất, minh bạch của các chính sách. Hơn nữa, hoạt động TDTHPL phải từng bước chuyển từ đánh giá theo quy trình sang đánh giá theo tiêu chí tác động đầu ra. 

Mạnh dạn đề xuất nghiên cứu xây dựng, ban hành Luật về tổ chức THPL, ông Trúc còn kiến nghị xây dựng hệ thống thông tin cập nhật thường xuyên làm đầu vào cho việc đánh giá định tính, định lượng việc THPL và cần có các tiêu chí cụ thể về thông tin, số liệu, cách thu thập thông tin, ai có trách nhiệm cung cấp thông tin để phục vụ việc phân tích, đánh giá chính sách.

Nhất trí với đề xuất xây dựng, ban hành Luật cho công tác này, Trưởng phòng Phòng QLXLVPHC&TDTHPL (Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam) Nguyễn Văn Tình quan niệm có Luật thì hoạt động TDTHPL sẽ được thực hiện hiệu quả hơn. Trong đó, cần quy định cụ thể trách nhiệm của Sở Tư pháp, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn trong hoạt động theo dõi tình hình THPL, cũng như cơ chế phối hợp, trách nhiệm phối hợp giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn, giữa các cơ quan chuyên môn với nhau; giữa các cơ quan chuyên môn với TAND, VKSND; phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân liên quan trong hoạt động TDTHPL.

Đọc thêm