Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo vệ “tương lai của đất nước”

(PLVN) - Sáng 19/10, hướng tới Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, trong khuôn khổ Dự án Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam, Bộ Tư pháp phối hợp với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và UNICEF tổ chức Phiên thảo luận với chủ đề “Nâng cao nhận thức pháp luật nhằm tăng cường phòng, chống bạo lực với trẻ em”. 

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti, Phó Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam Lesley Miller đồng chủ trì Phiên thảo luận.

Việt Nam đứng thứ 49/75 quốc gia về bạo lực với trẻ

Phát biểu khai mạc Phiên thảo luận, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt . Trong điều kiện, hoàn cảnh còn nhiều khó khăn của một nước có trình độ phát triển thấp thì những nỗ lực, cố gắng của Việt Nam trong bảo vệ và chăm sóc trẻ em thời gian quan là rất đáng ghi nhận, đáng khích lệ.

Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng so với mục tiêu, kỳ vọng thì còn nhiều việc cần được tiếp tục làm tốt hơn nữa, nỗ lực và trách nhiệm cao hơn nữa của tất cả các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương và của toàn xã hội, mỗi cá nhân để dành những điều tốt đẹp nhất cho trẻ em. Một trong những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế xuất phát từ nhận thức, hiểu biết pháp luật về quyền trẻ em chưa đầy đủ dẫn đến hành động không tương xứng hoặc thực thi chính sách pháp luật về trẻ em chưa hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cùng các đồng chủ trì Phiên thảo luận.
 Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cùng các đồng chủ trì Phiên thảo luận.

Vì vậy, nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng Phiên thảo luận rất có ý nghĩa để cùng nhau chia sẻ, đánh giá những kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và quan trọng hơn là đưa ra được các giải pháp để nâng cao hiểu biết pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em, góp phần làm tốt hơn công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em.

Thông tin từ Phiên thảo luận cho thấy, ước tính mỗi năm có khoảng 1 tỷ trẻ em tương đương một nửa dân số trẻ em trên thế giới gánh chịu bạo lực. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ trẻ em bị bạo lực và xâm hại cao, tỷ lệ xâm hại thân thể dao động từ khoảng 10% (Trung Quốc) đến 30,3 % (Thái Lan). Nghiên cứu ở khu vực Đông Á Thái Bình Dương cho thấy tổng thiệt hại do bạo lực, xâm hại trẻ em gây ra, đặc biệt cho các vấn đề sức khỏe và các hành vi nguy cơ cao về sức khỏe, vào khoảng 206 tỷ đô la Mỹ, xấp xỉ 2% tổng GDP của khu vực này.

Trong số 75 quốc gia được thống kê về tình trạng bạo lực đối với trẻ em, Việt Nam xếp thứ 49, sau Myanmar (xếp thứ 30) và Malaysia (xếp thứ 40) nhưng trên Lào (xếp thứ 54). Năm 2016 toàn quốc phát hiện 1.616 trẻ em bị xâm hại; năm  2017 là 1.642 trẻ em bị xâm hại, năm 2018 là  1.579 trẻ em bị xâm hại, số trẻ em bị xâm hại năm 2019 là 2.117 em, so với năm 2016 tăng 501 em (tăng 23,6%).

Giúp trẻ em phát triển toàn diện

Bạo lực và xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em, gây tổn thương nặng nề về thể chất và tinh thần cả trước mắt và lâu dài đối với trẻ em. Vì vậy, cần thiết phải bảo vệ trẻ em – tương lai của đất nước và để làm được điều này, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. 

Toàn cảnh Phiên thảo luận.
Toàn cảnh Phiên thảo luận. 

Theo Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) Phan Hồng Nguyên, một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là truyền thông, PBGDPL để nâng cao trách nhiệm, hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của toàn xã hội trong việc phòng, chống bạo lực trẻ em, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi bạo lực, xâm hại đối với trẻ em. Với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về công tác PBGDPL trong cả nước, Bộ Tư pháp đã tham mưu, trình cấp có thẩm quyền thông qua, ban hành chính sách, pháp luật về PBGDPL.

Để góp phần tăng cường bảo vệ trẻ em, giúp trẻ phát triển toàn diện, ông Nguyên đề xuất tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về  trong việc tuyên truyền, PBGDPL về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhằm bảo đảm, thực hiện các quyền của trẻ em đã được pháp luật quy định. Đồng thời, đổi mới nội dung PBGDPL, bảo đảm phù hợp, gần gũi, thiết thực với cuộc sống hằng ngày của cha, mẹ, giáo viên, trẻ em, người có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ…

Đến từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Nga quan niệm: Để bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em một cách hiệu quả, đòi hỏi nguy cơ xâm hại trẻ em phải được phát hiện và giải quyết kịp thời; trẻ em có nguy cơ hoặc thực tế đã bị xâm hại phải được hỗ trợ và bảo vệ; hành vi xâm hại trẻ em phải được xử lý nghiêm khắc. Những yêu cầu này liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức và đòi hỏi các cơ quan, tổ chức này phải phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với nhau để thực hiện các hoạt động nhằm bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của trẻ em bị xâm hại.

Bên cạnh các hoạt động phối hợp mang tính lâu dài như hoàn thiện khung khổ pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em, xây dựng hệ thống tư pháp người chưa thành niên tại Việt Nam thì rất cần phải nhanh chóng phối hợp triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em. “Đây cũng là yêu cầu của Quốc hội, của Chính phủ trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”, bà Nga nhấn mạnh.

Đại sứ Giorgio Aliberti khuyến nghị Việt Nam nên sửa đổi Bộ luật Hình sự để bảo đảm mọi hành vi xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục, đều bị xử lý hình sự. Ngoài ra, cần sửa độ tuổi trẻ em là dưới 18 tuổi để thúc đẩy bảo vệ trẻ em một cách đầy đủ.

Tán thành với Đại sứ Aliberti, bà Lesley Miller cho rằng, trong quá trình sửa đổi này, Bộ Tư pháp cần đóng vai trò tiên phong. Bà Miller cũng tán thành phải nâng cao nhận thức pháp luật về bảo vệ trẻ em, đi cùng với đó là thay đổi các chuẩn mực xã hội lạc hậu, khuyến khích trẻ em thực hiện quyền của mình…

Đọc thêm