Cần 'thúc' tiến độ nhiều vụ việc bồi thường nhà nước

(PLVN) - Triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (gọi tắt Luật TNBTCNN), năm 2018, TANDTC, VKSNDTC, các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh đã quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc triển khai thi hành Luật TNBTCNN và đã đạt được những kết quả bước đầu. 
Ông Hàn Đức Long
Ông Hàn Đức Long

Tuy nhiên, vẫn còn tồn đọng một số vụ việc yêu cầu bồi thường đã thụ lý theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2009 rất cần sự quan tâm, phối hợp chỉ đạo thực hiện trong năm 2019 của các bộ, ngành liên quan để bảo vệ kịp thời quyền lợi của người có yêu cầu bồi thường.

Có thể điểm lại một số vụ việc như vụ việc của ông Hàn Đức Long (Bắc Giang) vẫn đang trong quá trình giải quyết của TAND Cấp cao tại Hà Nội. Sau khi nhận được đơn yêu cầu bồi  thường của ông Long, ngày 08/6/2017, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã có văn bản yêu cầu ông Long cung cấp các tài liệu chứng cứ, chứng minh yêu cầu bồi thường.

Ngày 27/10/2017, ông Long đã gửi các tài liệu, chứng cứ để TAND Cấp cao tại Hà Nội thẩm định tài liệu. Lần lượt vào ngày 20/3/2018 và ngày 05/7/2018, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã tiến hành thương lượng việc bồi thường thiệt hại lần 1, lần 2 với phía ông Hàn Đức Long.

Yêu cầu bồi thường của ông Long có nhiều khoản bồi thường không theo quy định của Luật TNBTCNN. Đến nay, phía ông Hàn Đức Long chưa bổ sung đầy đủ tài liệu, chứng từ chứng minh cho yêu cầu của mình.

Hay một vụ việc của ông Nguyễn Tùng Chinh (do VKSND tỉnh Vĩnh Long chịu trách nhiệm) mới đang trong giai đoạn thương lượng. Ông Chinh bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa” năm 1982, bị tạm giam từ năm 1982 đến năm 1988. VKSND tỉnh Cửu Long ký lệnh tạm tha chờ xử lý. Do thời điểm xảy ra vụ án trong giai đoạn chia tách tỉnh nên hồ sơ vụ án bị thất lạc.

Bản thân ông Chinh khi đi khiếu nại cũng không xuất trình được Giấy tạm tha do bị thất lạc. Đến khi ông Chinh mất năm 2011 thì gia đình ông mới tìm được Giấy tạm tha của ông và đi khiếu nại. Hiện tại, VKSND tỉnh Vĩnh Long chưa thương lượng được hết các khoản theo yêu cầu do đang chờ phía Công an trả lời về khoản tiền thu nhập thực tế bị mất để tính bồi thường, vì ông Chinh trước khi bị khởi tố là sĩ quan công an. 

Vụ việc khác cũng đã xảy ra khá lâu và cũng đang trong giai đoạn thương lượng là vụ việc của ông Chu Quang Hưng. Ngày 26/9/2005, VKSND TP HCM ban hành Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Chu Quang Hưng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, áp dụng Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999, đình chỉ điều tra, miễn trách nhiệm hình sự đối với Chu Quang Hưng.

Sau khi nhận đơn yêu cầu bồi thường của ông Hưng, VKSND TP HCM đã tiến hành nghiên cứu, xem xét đơn, ngày 15/8/2016 đã gửi giấy mời nhưng ông không đến và không hợp tác. Đến ngày 9/01/2017, ông Hưng đã đồng ý làm việc với VKSND TP HCM… 

Để tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật TNBTCNN trong năm 2019, Bộ Tư pháp đã có công văn đề nghị TANDTC và VKSNDTC tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành…

Riêng với các vụ việc yêu cầu bồi thường, Bộ Tư pháp đề nghị TANDTC và VKSNDTC chỉ đạo các cơ quan thuộc phạm vi quản lý của mình rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc đã thụ lý theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2009 còn tồn đọng; chủ động, kịp thời thụ lý, giải quyết các vụ việc mới phát sinh theo quy định của Luật TNBTCNN. 

Bộ Tư pháp cũng đề nghị các bộ và UBND cấp tỉnh tiếp tục tuyên truyền, phổ biến Luật TNBTCNN và các văn bản hướng dẫn thi hành; tiếp tục tập huấn nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước cho đội ngũ cán bộ, công chức được giao thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong phạm vi quản lý của mình…

Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác bồi thường nhà nước trong phạm vi quản lý của mình đối với việc triển khai thi hành Luật, giải quyết bồi thường và xem xét trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ và báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra về Bộ Tư pháp. 

Đọc thêm