Cần tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

(PLO) - Sau 4 năm triển khai Ngày Pháp luật, đã có nhiều mô hình hay, cách làm tốt. Tuy nhiên, cũng có nơi việc hưởng ứng Ngày Pháp luật chưa thường xuyên. Vậy để Ngày Pháp luật thực sự có sức lan tỏa cần những giải pháp nào? Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu trao đổi xung quanh vấn đề này. 
 
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu

Sau 04 năm triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam, theo Thứ trưởng, có những mô hình nào mang lại hiệu quả thiết thực và cần được nhân rộng? Liệu có hay không một mô hình chung, áp dụng thống nhất trong cả nước?

- Sau bốn năm thực hiện, trong cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm sáng tạo để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Có thể kể đến một số mô hình điển hình mang lại hiệu quả thiết thực và có thể nhân rộng sau đây:

Một là, mô hình tổ chức thi tìm hiểu pháp luật (thi viết, sân khấu hóa hoặc thi trực tuyến...). Mô hình này được hầu hết các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước áp dụng, thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, mang lại nhiều hiệu ứng xã hội rất tích cực như: Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp năm 2013, Cuộc thi tìm hiểu Bộ luật Dân sự; về an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng; các hội thi: Hòa giải viên giỏi toàn quốc, chấp hành viên giỏi, kiểm sát viên giỏi, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật giỏi… Đặc biệt, trong những năm gần đây nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến trên điện thoại, các phần mềm ứng dụng, Cổng thông tin/Trang thông tin điện tử của bộ, ngành, đoàn thể, địa phương đã được thực hiện, thu hút được sự tham gia đông đảo của cán bộ và các tầng lớp nhân dân như: cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh trung học phổ thông; thi tìm hiểu Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và một số văn bản luật có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp…

Hai là, mô hình tổ chức ngày hội pháp luật; ngày hội an toàn giao thông; ngày tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí: Thông qua mô hình này, người dân, nhất là người lao động, người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp và các đối tượng đặc thù, yếu thế được tư vấn, hướng dẫn, giải đáp về những vụ việc, vướng mắc pháp luật, được hỗ trợ, giúp đỡ bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp gắn với các vụ việc, tình huống pháp lý cụ thể.

Ba là, mô hình đối thoại chính sách pháp luật, Chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng (Giám đốc Sở) trả lời: Mô hình này đã thiết lập diễn đàn đối thoại đa chiều để các cơ quan quản lý nhà nước, người có thẩm quyền trao đổi, thảo luận, nắm bắt thông tin để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, bất cập cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật.

Bốn là, mô hình tiết học pháp luật; tuần lễ công dân; sinh hoạt dưới cờ hàng tuần; ký cam kết không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội trong các nhà trường; mỗi ngày một tình huống pháp luật, mỗi tuần một điều luật… Các hoạt động dù trực tiếp hay gián tiếp đều có tác động đến việc nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật; gắn kết chặt chẽ giữa giáo dục ý thức pháp luật với giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống để hình thành nhân cách con người phát triển toàn diện ngay trong nhà trường. 

Ngoài ra, còn có các mô hình khác cũng khá hiệu quả như tổ chức hội thảo, tọa đàm, tập huấn, mit-tinh, diễu hành, cổ động trực quan, triển lãm hình ảnh; quán cà phê với pháp luật, doanh nhân với pháp luật….

Như vậy, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hiện rất phong phú, đa dạng. 

Điểm chung của các mô hình đó là gì thưa Thứ trưởng?

- Mặc dù có nhiều mô hình, cách làm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam nhưng các mô hình, cách làm đó có điểm chung là gắn kết rất chặt chẽ với công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật, hướng đến đông đảo đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Mục tiêu chung của các mô hình này đều khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội; tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện đất nước, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, góp phần xây dựng, thi hành, bảo vệ Hiến pháp và pháp luật vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Còn điểm nghẽn lớn nhất trong hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hàng năm?

- Tôi cho rằng điểm nghẽn lớn nhất là việc hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chưa trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày và chưa thực sự trở thành nhu cầu tự thân của mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức và từng cá nhân. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam hiện đang được tập trung triển khai ở khu vực đô thị, các thành phố lớn trong tuần lễ cao điểm, từ ngày 01/11 đến ngày 09/11 hàng năm mà chưa đi sâu, bám rễ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. 

Một số hoạt động hưởng ứng còn theo phong trào, nội dung chưa sát với nhu cầu thực tiễn, cách làm còn khô cứng, ít sáng tạo. Ngoài ra, các nguồn lực xã hội là rất lớn nhưng chúng ta vẫn chưa khai thông, thu hút và huy động được để Ngày Pháp luật Việt Nam thực sự là ngày hội của toàn dân nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật. Điều đáng chú ý là mặc dù nhận thức pháp luật trong xã hội được nâng lên, nhưng tình hình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội và các hiện tượng lệch chuẩn xã hội khác vẫn diễn biến phức tạp, tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên vi phạm chủ trương, chính sách, pháp luật bị áp dụng các biện pháp xử lý vẫn còn. 

Vậy thưa Thứ trưởng, có những bài học kinh nghiệm nào được rút ra?

- Có rất nhiều bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, trong đó đáng lưu ý là: (1) Cần nâng cao hơn nữa nhận thức, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai thực hiện; (2) bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân; (3) sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và đồng bộ giữa công tác xây dựng, thi hành và bảo vệ pháp luật gắn với hoàn thành nhiệm vụ chính trị, chuyên môn; (4) sự năng động, sáng tạo, chủ động trong tham mưu của cơ quan, đơn vị chức năng, nhất là cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế; (5) sự vào cuộc và tích cực hưởng ứng của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân; (6) thường xuyên đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức thực hiện bám sát nhu cầu xã hội và điều kiện thực tiễn, trong đó cần chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin.

Để thực hiện tốt các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, theo Thứ trưởng cần tập trung vào những giải pháp nào?

- Để nâng cao hiệu quả triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam, theo tôi, có nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương cần sớm ban hành văn bản chỉ đạo, định hướng cụ thể về chủ đề, nội dung, hình thức triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật của từng bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị làm cơ sở để các tổ chức trực thuộc kịp thời tham mưu, triển khai thực hiện.

Hai là, tiếp tục đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bám sát nhu cầu xã hội, nhất là đời sống chính trị - pháp lý của đất nước và từng địa phương. Các hoạt động này cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, rộng khắp để trở thành việc làm tự thân, hàng ngày của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị và từng cá nhân. Việc lựa chọn nội dung cần xuất phát từ nhu cầu của đối tượng, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tế, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh; có sự lồng ghép với thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, các phong trào vận động quần chúng.

Ba là, phát huy vai trò tích cực, chủ động, sáng tạo của các cơ quan, đơn vị trong tham mưu thực hiện; tăng cường các mối quan hệ phối hợp, lồng ghép trong triển khai thực hiện; chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả và thiết thực; tăng cường giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương.

Bốn là, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật để kết nối, chia sẻ thông tin về pháp luật, về các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, về công tác xây dựng, thi hành pháp luật để phát huy hiệu ứng, sức lan tỏa rộng lớn trong toàn xã hội.

Năm là, bảo đảm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam; tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện, sơ kết, tổng kết, đánh giá và động viên khen thưởng kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích.

Sáu là, tiếp tục khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam để đây thực sự là Ngày hội của toàn dân nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, giáo dục ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cho mọi người trong đời sống xã hội để phát huy đầy đủ nhất vai trò của pháp luật trong quản lý nhà nước và xã hội cũng như trong bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp.

Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm