Cần tuyên truyền sâu rộng về trợ giúp pháp lý đến đối tượng thụ hưởng ở những nơi khó khăn

(PLVN) -Đó là chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi trong buổi làm việc kiểm tra liên ngành về Trợ giúp pháp lý (TGPL) giữa Đoàn công tác của Hội đồng phối hợp liên ngành (HĐPHLN) về TGPL trong hoạt động tố tụng Trung ương và HĐPHLN về TGPL trong hoạt động tố tụng tại tỉnh Đắk Lắk. 

Để triển khai Thông tư liên tịch số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC về việc phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng trên địa bàn có hiệu quả, HĐPHLN tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản triển khai thực hiện các nhiệm vụ một cách nghiêm túc, trách nhiệm.

HĐPHLN tỉnh Đắk Lắk còn tổ chức tập huấn, quán triệt nội dung để nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị thuộc hội đồng và thực hiện chế độ kiểm tra, theo dõi, đánh giá thực hiện Thông tư liên tịch số 10.  

Sở Tư pháp tỉnh cũng thường xuyên thực hiện truyền thông về TGPL trong hoạt động tố tụng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, sở đã thực hiện 86 đợt truyền thông tại 45 xã, 4 thị trấn thuộc 13 huyện, 1 thị xã với hơn 4.300 người tham dự. Các Trợ giúp viên pháp lý đã lồng ghép tư vấn trực tiếp 95 việc TGPL cho 95 lượt người.

 

Các thành viên trong HĐPHLN cũng thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động thực hiện phối hợp, thường xuyên giữ mối liên hệ trong việc yêu cầu Trung tâm TGPL cử người thực hiện TGPL trong hoạt động tố tụng.

Trong năm 2019 và 9 tháng năm 2020, Trung tâm TGPL đã thụ lý 910 vụ việc thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, trong đó có 603 vụ việc do cơ quan tiến hành tố tụng có văn bản đề nghị cử người thực hiện TGPL. Trong đó nhiều vụ việc nhờ có TGPL đã được đình chỉ điều tra, được chuyển khung hình phạt nhẹ hơn hay được chuyển từ hình phạt tù có thời hạn sang án treo…

Đặc biệt, Trung tâm TGPL đã phối hợp cung cấp 36.000 mẫu đơn yêu cầu TGPL, 75 sổ theo dõi vụ việc, biên soạn, in ấn 70.000 tờ gấp pháp luật liên quan đến công tác TGPL bỏ vào hộp tin tại các cơ quan tiến hành tố tụng, trại tạm giam, tạm giữ...

Chất lượng vụ việc tham gia tố tụng không chỉ đảm bảo tuân thủ pháp luật và đạo đức nghề nghiệp mà còn được nâng cao song song với năng lực đội ngũ người thực hiện TGPL.

 

Phát biểu tại buổi làm việc ông Phạm Minh Tấn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Lắk đánh giá, mặc dù còn những khó khăn nhất định nhưng thời gian qua công tác TGPL và phối hợp liên ngành về TGPL trong hoạt động tố tụng thực hiện ở địa phương đã đạt được nhiều kết quả tốt. HĐPHLN đã cố gắng với tinh thần trách nhiệm cao trong việc thực hiện Thông tư liên tịch số 10.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đề nghị: HĐPHLN cần tăng cường phối hợp liên ngành tích cực, quyết liệt hơn nữa. Bởi, ở địa phương vẫn còn rất nhiều người không biết, không hiểu được quyền lợi hoặc có tâm lý e ngại hoặc hiểu sai về công tác TGPL. Vì thế, người làm hoạt động tố tụng, TGPL cần hết sức tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng. Ông Tấn cũng mong muốn các cơ quan TW tiếp tục quan tâm, hướng dẫn, chỉ đạo sát sao để công tác TGPL tại địa phương được thực hiện tốt hơn nữa.

 

Thay mặt cho Đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đánh giá cao những kết quả về thực hiện công tác phối hợp về TGPL trong hoạt động tố tụng tại Đắk Lắk trong năm 2019 và 9 tháng năm 2020. Đặc biệt là sự tham gia của các Luật sư trong công tác TGPL. 

Thứ trưởng Mai Lương Khôi lưu ý: Các thành viên trong hội đồng TGPL trong hoạt động tố tụng cần tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa, thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất. Đó không chỉ là sự phối hợp giữa các cơ quan tố tụng, các thành viên trong hội đồng mà còn giữa các cơ quan tố tụng với các Trợ giúp viên pháp lý. Mặt khác, cũng cần quan tâm, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, thu hút nhiều hơn nữa các nguồn lực như luật sư tham gia công tác TGPL.

Về đối tượng thụ hưởng TGPL đặt ra rất nhiều thử thách, đặc biệt ở địa bàn Đắk Lắk có nhiều đặc thù khó khăn như địa bàn chia cắt, người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số, trình độ nhận thức về văn hóa, pháp luật, TGPL còn hạn chế. 

Để giải quyết khó khăn trên, Thứ trưởng Mai Lương Khôi nhấn mạnh cần tuyên truyền sâu rộng về TGPL đến người dân, khó thì làm theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". Tập trung đến các đầu mối để thực hiện tuyên truyền như già làng, trưởng bản, trưởng thôn hoặc những người uy tín tại địa bàn.    

Đọc thêm