Cần ưu tiên nguồn lực cho công tác pháp chế

(PLVN) -Để công tác pháp chế được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương ưu tiên, tập trung nguồn lực cho công tác pháp chế.

Cán bộ pháp chế đang giảm ở nhiều địa phương

Theo Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, thì việc thành lập Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Theo đó, Phòng Pháp chế được thành lập ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh gồm: Sở Nội vụ; Sở Kế hoạch và Đầu tư;  Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Giao thông vận tải; Sở Xây dựng; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế.

Tuy nhiên theo Bộ Tư pháp, đến hết 2019 các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 4.173 người người làm công tác pháp chế, trong đó có 1.617 người chuyên trách (tăng 292 người so với năm 2018); các địa phương hiện có 80 Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh (tiếp tục giải thể 16 Phòng so với năm 2018), có tổng số 2.242 người làm công tác pháp chế (giảm 389 người), trong đó có 466 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách (giảm 147 người). Ở khối doanh nghiệp nhà nước, có 1.801 người làm công tác pháp chế (giảm 361 người), trong đó, có 475 người làm công tác pháp chế chuyên trách.

Con số trên cho thấy, trong khi các cơ quan Trung ương tiếp tục ổn định và phát triển về tổ chức, đội ngũ cán bộ pháp chế thì các địa phương lại giảm khá nhiều. Một trong những lý do là hiện nay, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy thì việc thành lập các Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh là rất khó. Bên cạnh đó cũng phải kể đến nguyên nhân là một số cơ quan, tổ chức còn chưa thực sự coi trọng đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ pháp chế với vai trò người “gác cửa”.

Một thực tế nữa là hiện nay, cán bộ làm công tác pháp chế ngày càng được giao thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp; tuy nhiên, chế độ chính sách cho đội ngũ này mặc dù đã được quy định tại Nghị định 55/2011/NĐ-CP nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn để thực hiện, mặc dù, Bộ Tư pháp đã cố gắng tham mưu áp dụng. 

Tiếp tục duy trì, phát triển tổ chức pháp chế

Với những bất cập sau hơn 8 năm thực hiện, Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, Bộ Tư pháp cho biết, để có cơ sở cho việc kiến nghị với cấp có thẩm quyền trong việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, trong đó có mô hình tổ chức pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thời gian qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức nhiều hoạt động để khảo sát, đánh giá về tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ như tổ chức các Đoàn công tác liên ngành (Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Văn phòng Chính phủ) hoặc các Đoàn công tác do Bộ Tư pháp tổ chức đi khảo sát tại một số địa phương như: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ…; tổ chức các Hội nghị đối thoại về công tác pháp chế tại 2 miền Nam, Bắc; nhiều hội thảo, tọa đàm để đánh giá về mô hình tổ chức pháp chế tại các Bộ, ngành, địa phương. Thông qua các hoạt động này, Bộ đã thu nhận được nhiều ý kiến liên quan đến mô hình tổ chức pháp chế, qua đó, có cơ sở để tổng hợp, nghiên cứu và đề xuất với cấp có thẩm quyền về mô hình tổ chức pháp chế để thực hiện khả thi và thống nhất trong phạm vi cả nước sau khi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung.

Còn trước mắt, để công tác pháp chế ở địa phương được thực hiện hiệu quả, đồng bộ, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương ưu tiên, tập trung thời gian, nguồn lực cho công tác pháp chế trên cơ sở bám sát một trong các định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ mới là xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ, lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động của Chính phủ, chính quyền các cấp và thực hiện nghiêm các văn bản của Trung ương. Theo đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục duy trì tổ chức pháp chế ở các địa phương; đồng thời căn cứ tình hình cụ thể của mỗi địa phương để sắp xếp, bố trí, ổn định đội ngũ cán bộ bảo đảm đủ về số lượng, có trình độ, chất lượng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ công việc.

Đọc thêm