Cấp số định danh cá nhân: Chỉ phải khai thông tin nhân thân một lần duy nhất!

(PLO) - Theo tiến độ thực hiện Đề án 896, đến cuối năm nay, các Bộ, ngành và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (gọi tắt là 3 cơ quan) phải hoàn thành việc hệ thống hóa thủ tục hành chính (TTHC), giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư. Như vậy, thời gian không còn nhiều, đòi hỏi các Bộ, ngành phải “tăng tốc” mới có thể bảo đảm yêu cầu về tiến độ.
Công dân sẽ chỉ phải khai thông tin về nhân thân một lần duy nhất với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện TTHC.
Công dân sẽ chỉ phải khai thông tin về nhân thân một lần duy nhất với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện TTHC.
Sẽ đơn giản hóa trên 1.300 thủ tục hành chính
Hướng dẫn một số hoạt động triển khai Đề án 896 (Đề án tổng thể về đơn giản hóa giai đoạn 2013 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 896/QĐ-TTg từ tháng 6/2013), hôm qua (17/12), Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp) Ngô Hải Phan đã “điểm mặt” các giấy tờ công dân, TTHC và các cơ sở dữ liệu cần được hệ thống hóa. Trong đó, riêng về giấy tờ công dân, theo Đề án 896 sẽ là các giấy tờ mà cơ quan nhà nước cấp cho công dân để phục vụ mục tiêu quản lý, đồng thời là căn cứ để xác lập quyền và nghĩa vụ của công dân như giấy khai sinh, hộ chiếu (gồm hộ chiếu phổ thông, hộ chiếu công vụ/ngoại giao), chứng minh nhân dân, giấy phép lái xe, sổ hộ khẩu, các loại thẻ (thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ hành nghề…), giấy đăng ký kết hôn, phiếu lý lịch tư pháp, các loại văn bằng, chứng chỉ đào tạo, chứng chỉ hành nghề, các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gắn với cá nhân, giấy chứng tử…
Các giấy tờ này là thành phần hồ sơ của TTHC hoặc là kết quả của TTHC nên việc hệ thống hóa giấy tờ công dân cũng được thực hiện đồng thời cùng việc hệ thống hóa TTHC. 
Trước đó, trong quá trình xây dựng Đề án 896, Bộ Tư pháp đã tiến hành thống kê khoảng 1.300 TTHC liên quan đến 6 loại giấy tờ công dân là giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, đăng ký kết hôn và giấy chứng tử đối với các TTHC thuộc phạm vi chức năng quản lý của các Bộ, ngành. Vì thế, “tính toán sơ bộ của Bộ Tư pháp cho thấy, với khoảng 20 trường thông tin cơ bản về công dân được thiết lập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì sẽ có trên 1.300 TTHC được đơn giản hóa khi mọi công dân Việt Nam được cấp số định danh cá nhân” – ông Phan nhấn mạnh.
Chỉ khai thông tin nhân thân một lần duy nhất
Theo lộ trình thực hiện Đề án đến năm 2020, tất cả công dân đều có số định danh cá nhân thì toàn bộ giấy tờ có thông tin về cá nhân chứa đựng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân sẽ không phải xuất trình hoặc công chứng, chứng thực, phô tô để chứng minh với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền khi đi làm TTHC có yêu cầu về những thông tin này. 
Khi ấy, người dân chỉ cần thông báo số định danh cá nhân của mình cho cơ quan hành chính biết để họ tra cứu thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Như vậy, không chỉ đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lý nhà nước về dân cư mà quan trọng hơn là công dân chỉ phải khai thông tin về nhân thân một lần duy nhất với cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền khi thực hiện TTHC và không phải cung cấp lại cho cơ quan hành chính nhà nước phần khai về nhân thân khi thực hiện các TTHC khác có liên quan.
Tới đây, qua thống kê, làm rõ các TTHC, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư, các Bộ, ngành và 3 cơ quan sẽ rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa nhằm giảm thiểu các TTHC, giấy tờ công dân không cần thiết, không hợp lý giúp giảm bớt gánh nặng về chi phí thực hiện TTHC của người dân cũng như giúp các cơ quan giải quyết TTHC thực hiện nhiệm vụ được thuận lợi và nhanh chóng.

Đọc thêm