Chấn chỉnh kịp thời vi phạm trong hoạt động thừa phát lại

(PLVN) - Thừa phát lại (TPL) là một trong những lĩnh vực bổ trợ tư pháp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp được định hướng phát triển theo chủ trương xã hội hóa. Sau một thời gian hình thành và phát triển TPL ngày càng khẳng định địa vị pháp lý cũng như vai trò trong hoạt động tư pháp và thi hành án dân sự. Nhưng đồng thời đã xuất hiện nhiều vi phạm cần kịp thời chấn chỉnh để hoạt động này thực sự lành mạnh, hiệu quả.
Hình minh họa
Hình minh họa

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động bổ trợ tư pháp, các tổ chức hành nghề trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp, bao gồm cả TPL... đã ngày càng phát triển, tăng lên cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ phục vụ cho yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của xã hội.

Theo thống kê của Cục Bổ trợ tư pháp, trong gần 3 năm 2016 – 2018, các văn phòng TPL đã tống đạt hơn 1,6 triệu văn bản, lập trên 188 nghìn vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án 69 việc, trực tiếp tổ chức thi hành án 181 việc, tổng doanh thu đạt hơn 296 tỷ đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, những đóng góp cho xã hội thì các hiện tượng tiêu cực, các trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức hành nghề của người làm nghề, tổ chức hành nghề trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã xuất hiện ngày càng nhiều.

Đối với hoạt động TPL, thực tiễn thanh, kiểm tra thời gian qua cho thấy, TPL đã có những vi phạm trong hành nghề, thậm chí là vi phạm nghiêm trọng như không trực tiếp chứng kiến sự kiện đã lập vi bằng; lập vi bằng ghi nhận thỏa thuận nhằm mục đích mua bán, chuyển nhượng đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu, phân chia di sản, tặng cho quyền sử dụng đất; lập vi bằng vi phạm quy định về thẩm quyền địa hạt...

Đối với văn phòng TPL thì có các vi phạm như thu chi phí lập vi bằng không đúng quy định, lập chứng từ kế toán không đúng nghiệp vụ kinh tế phát sinh, kê khai thuế không đầy đủ. Qua hoạt động thanh, kiểm tra, các biện pháp xử lý vi phạm đã được áp dụng là miễn nhiệm đối với TPL, tạm đình chỉ hoạt động đối với văn phòng TPL. 

Xuất phát từ thực tiễn những tồn tại, vi phạm trong hoạt động của TPL nên thời gian tới, công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp đối với công tác này sẽ được tăng cường nhằm chấn chỉnh, xử lý nghiêm minh đối với các trường hợp vi phạm.

Tuy nhiên, hiện nay, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP và Nghị định số 67/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã chưa có quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động TPL.

Do đó, có nhiều trường hợp vi phạm nhưng chưa có chế tài để xử lý, trừ những trường hợp vi phạm nghiêm trọng phải miễn nhiệm TPL hay tạm đình chỉ hoạt động đối với văn phòng TPL.

Để khắc phục hạn chế này, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 110 và Nghị định 67 đã dành 1 mục quy định về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hoạt động TPL. 

Đối với các hành vi vi phạm trên, dự thảo Nghị định quy định hình thức xử phạt chính là phạt tiền và tước quyền sử dụng thẻ TPL từ 9 – 12 tháng. Về hình thức phạt tiền, dự thảo Nghị định quy định các mức phạt khác nhau, thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 60 triệu đồng.

Cùng với hình phạt chính vừa nêu, dự thảo Nghị định còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung. Đối với TPL, đó là tước quyền sử dụng thẻ TPL từ 1 – 3 tháng; tước quyền sử dụng thẻ TPL từ 6 – 9 tháng.

Với văn phòng TPL là tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động từ 1 – 3 tháng; tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động từ 3 – 6 tháng; tước quyền sử dụng giấy đăng ký hoạt động từ 6 – 9 tháng. Đồng thời, quy định các biện pháp khắc phục hậu quả gồm buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; buộc thu hồi vi bằng.

Như vậy, tất cả các hành vi vi phạm trong hoạt động của TPL, văn phòng TPL đều sẽ bị xử lý nghiêm minh. Điều này đòi hỏi TPL và văn phòng TPL cần tuân thủ đúng quy định của pháp luật khi hành nghề, tránh các trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, dẫn đến bị miễn nhiệm hoặc bị áp dụng các hình thức xử lý khác theo quy định. 

Đọc thêm