Chi phí xác minh điều kiện thi hành án - ai chịu?

(PLO) - Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (THADS) đã có quy định mới về xác minh điều kiện thi hành án (XMĐKTHA), theo đó, cơ quan THADS chủ động thực hiện việc XMĐKTHA sau khi có quyết định thi hành án (THA).
Kiểm kê tài sản của đương sự khi đã cưỡng chế
Kiểm kê tài sản của đương sự khi đã cưỡng chế
Cơ chế này được cho là bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người được THA. Tuy nhiên, dù đã sửa đổi cơ chế xác minh (không yêu cầu đương sự phải yêu cầu Chấp hành viên xác minh) nhưng Dự thảo Luật lại chưa sửa đổi cụ thể về trách nhiệm chịu chi phí xác minh (quy định tại Điều 73 Luật THADS).
Càng xa, chi phí càng lớn
Theo Điều 73 Luật THADS về chi phí cưỡng chế THA, người được THA phải chịu chi phí xác minh trong trường hợp yêu cầu Chấp hành viên xác minh, và ngân sách nhà nước trả chi phí XMĐKTHA trong trường hợp chủ động THA. 
Còn theo Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế THADS, chi phí XMĐKTHA mà người được THA chịu gồm tiền công tác phí cho các đối tượng tham gia vào việc XMĐKTHA (mức chi theo Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 6/7/2010 của Bộ Tài chính), bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào quá trình XMĐKTHA (trong đó Chấp hành viên, công chức khác làm công tác THA được chi với mức 50.000 đồng/người/ngày) và các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho việc XMĐKTHA.
Thực tiễn thực hiện các quy định trên cho thấy, các khoản chi phí cho XMĐKTHA không ít, nhất là đối với trường hợp xác minh ở những địa bàn xa xôi hoặc không có thông tin tài sản hoặc thiếu chính xác. Cá biệt vẫn còn trường hợp Chấp hành viên yêu cầu người được THA “ứng trước” một khoản tiền không nhỏ để phục vụ cho việc xác minh, tuy nhiên chưa có cơ chế chặt chẽ để kiểm soát được việc chi tiêu đúng mục đích.  Đây là nguy cơ phát sinh tình trạng nhũng nhiễu trong THADS.
Tại buổi thảo luận ở Tổ của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, Đại biểu Nguyễn Thị Trang cho rằng vì trách nhiệm XMĐKTHA đã được giao cho cơ quan THADS nên ngân sách nhà nước sẽ phải chi trả; cho nên, cần có quy định chi tiết việc sử dụng ngân sách trong quá trình xác minh. 
Còn Đại biểu Võ Thị Dung lại cho rằng không nên sử dụng ngân sách nhà nước vào việc XMĐKTHA cho các khoản THA theo đơn yêu cầu, mà người được THA vẫn phải chịu chi phí xác minh. Bởi lẽ, nếu người được THA tự xác minh hoặc ủy quyền cho người khác xác minh (thường là Thừa phát lại) thông qua hợp đồng ủy quyền thì họ phải tự chịu chi phí hoặc thanh toán giá trị hợp đồng. Thêm vào đó, việc THA là bảo đảm quyền lợi cho người được THA, cho nên không  thể lấy ngân sách nhà nước – với nguồn thu chủ yếu là từ thuế của các cá nhân, doanh nghiệp – để chi trả.
Người được thi hành án chỉ phải chịu phí thi hành án
Nhất trí với quan điểm cho rằng việc THA là nhằm đảm bảo lợi ích cho cá nhân, tổ chức cụ thể, do đó cá nhân, tổ chức phải chi trả chi phí cho việc bảo vệ lợi ích của mình. Điều này cũng thống nhất với quan điểm của World Bank (Ngân hàng Thế giới - PV)  vì  trong các báo cáo “Doing Business” (Hoạt động kinh doanh – PV)  hàng năm của tổ chức này, việc THA được xếp vào mục thực thi hợp đồng (enforcing contracts). 
Quá trình thực thi hợp đồng, doanh nghiệp phải chấp nhận rủi ro, trong đó có việc hợp đồng bị vi phạm (không được thực thi theo các điều khoản đã thỏa thuận) và cần đến sự hỗ trợ, cưỡng chế của Nhà nước. Các báo cáo đều thống kê cụ thể chi phí mà doanh nghiệp phải chịu trong một vụ kiện, gồm chi phí thuê luật sư, chi phí tại Tòa án và chi phí THA (enforcement cost). 
Theo đó, chi phí THA có sự khác biệt nhất định giữa các nước, ví dụ, theo luật của Thái Lan là 3% trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận, của Malaysia là 6,2%, của Singapore là 2,1%, của Trung Quốc là 1,2%, của Indonesia là 25% (theo http://www.doingbusiness.org/). 
Tại Việt Nam, mức phí THA là 3% trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu THA (Điều 60 Luật THADS, Điều 33 Nghị định 58/2009/NĐ-CP). Như vậy, so với các nước, mức phí THA mà pháp luật Việt Nam quy định không cao. Tuy nhiên, ngoài 3% giá trị được nhận này, người được THA còn phải chịu chi phí XMĐKTHA và một số chi phí khác (theo Điều 73 Luật THADS). 
Với quan điểm THADS là một “dịch vụ công” mà Nhà nước cung cấp cho các cá nhân, tổ chức để bảo vệ quyền, lợi ích của mình, việc chi trả cho dịch vụ này phải đảm bảo tính chất “trọn gói”. Nếu không quy định cụ thể giá trị “dịch vụ công trọn gói” là bao nhiêu thì sẽ dẫn đến tình trạng giá trị mà người được THA nhận được thực sự chẳng còn lại là bao sau khi phải chi trả các loại chi phí và phí trên.
Do đó, để đảm bảo nguyên tắc người được THA chi trả cho việc bảo vệ quyền, lợi ích của mình; đảm bảo nguyên tắc minh bạch, đương sự có thể định lượng trước chi phí mà họ phải chịu cho một vụ kiện và THA; hạn chế khả năng phát sinh tham nhũng, nên thống nhất quy định người được THA chỉ phải chịu phí THA mà không phải chịu thêm khoản chi phí nào khác. 
Nếu mức phí 3% như hiện nay chưa bảo đảm bù đắp cho ngân sách nhà nước trong tổ chức THA và do phát sinh thêm trách nhiệm XMĐKTHA đối với phần THA theo đơn yêu cầu của cơ quan THADS theo Dự thảo Luật, có thể nâng mức này lên khoảng 4% hoặc 5% để đảm bảo phù hợp với giá trị “dịch vụ công trọn gói” mà cơ quan THADS cung cấp. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS cần quy định cụ thể vấn đề này để đảm bảo thực hiện thống nhất.

Đọc thêm