Cho phép chuyển giới là gián tiếp công nhận hôn nhân đồng giới?

(PLO) - Vấn đề quy định khái quát hay tiếp tục quy định cụ thể về quyền nhân thân tại Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi vẫn là vấn đề còn gây nhiều tranh cãi. 
Cho phép chuyển giới là gián tiếp công nhận hôn nhân đồng giới? (Ảnh MH)
Cho phép chuyển giới là gián tiếp
 công nhận hôn nhân đồng giới? (Ảnh MH)
 
“Yên tâm hơn” với 
quy định hiện hành
Dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) sửa đổi tiếp tục quy định các quyền nhân thân cụ thể (từ Điều 31 đến Điều 50), sửa đổi một số điều cho phù hợp với Hiến pháp như quyền được bảo đảm an toàn về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân (thay cho quyền bí mật đời tư)..., đồng thời bổ sung một số quyền mới như quyền lập hội, quyền tiếp cận thông tin, quyền sống... 
Ngoài ra, Điều 51 Dự thảo Bộ luật quy định các quyền nhân thân khác về dân sự đều được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Ông Dương Đăng Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế Bộ Tư pháp cho biết, về vấn đề này, hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất nhất trí với quy định của Dự thảo Bộ luật, theo đó, BLDS cần cụ thể hóa các quyền nhân thân được quy định trong Hiến pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. 
Loại ý kiến thứ hai đề nghị BLDS không nên quy định lại các quyền nhân thân đã được ghi nhận trong Hiến pháp mà chỉ nên quy định một số quyền nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự, như là: quyền về họ, tên, nơi cư trú và một số quyền nhân thân đặc thù không quy định cụ thể trong Hiến pháp, như quyền xác định lại giới tính, quyền đối với hình ảnh, quyền được khai sinh, khai tử...
Ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực Bộ Tư pháp cho biết, ông cảm thấy “yên tâm hơn” với quy định về quyền nhân thân tại BLDS hiện hành vì các quy định này rất rõ ràng, thực tế thực hiện cũng không có gì phát sinh. 
Dẫn chứng về sự chưa ổn tại các quy định về quyền nhân thân tại Dự thảo BLDS sửa đổi, ông Nguyễn Công Khanh cho biết, việc Khoản 4 Điều 40 Dự thảo quy định về quyền xác định lại giới tính đưa ra 2 phương án gồm: "Nhà nước không thừa nhận việc chuyển giới” (Phương án 1) và “Trong trường hợp đặc biệt, việc chuyển giới phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định của luật” (Phương án 2) là thiếu chặt chẽ." 
Theo phân tích của Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực, việc chuyển đổi giới tính ở Việt Nam hiện nay không phải là cá biệt, tuy nhiên, nếu coi quyền chuyển đổi giới tính là một quyền dân sự thì chỉ nên dừng lại ở Khoản 3 với quy định “việc xác định lại giới tính được thực hiện theo quy định của luật”, nếu không sẽ gây nên dư luận khó hiểu về “trường hợp đặc biệt” được cho phép chuyển giới. 
Ông Nguyễn Công Khanh cũng e ngại việc cho phép chuyển giới trong trường hợp đặc biệt tại Dự thảo BLDS sẽ mâu thuẫn với quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính tại Luật Hôn nhân và Gia đình vì cho phép chuyển giới cũng coi như gián tiếp công nhận hôn nhân đồng giới. 
Đặc biệt, ông Nguyễn Công Khanh cho rằng, việc Khoản 3 Điều 31 Dự thảo Bộ luật quy định: “Việc đặt tên, sử dụng bí danh, bút danh không được trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc” đúng về mặt pháp lý nhưng chưa thỏa đáng bởi đây là một khoản tại điều quy định về quyền đối với họ, tên nhưng lại được thiết kế như quy định về một điều cấm. 
Ông Nguyễn Công Khanh đề nghị BLDS chỉ nên quy định chung về quyền đối với họ tên còn cụ thể như thế nào thì để pháp luật về hộ tịch hướng dẫn sẽ phù hợp hơn. 
Còn liệt kê là còn thiếu
Trong khi đó, lo ngại việc càng liệt kê sẽ càng thiếu các quyền về nhân thân, Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp Nguyễn Thị Kim Thoa cho rằng, nếu cứ đề nghị bổ sung vào Dự thảo BLDS các quyền này, quyền khác về nhân thân thì BLDS không thể nào giải quyết được. 
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa dẫn chứng: “Liên quan đến nhân thân, BLDS của Đức chỉ nói ngắn gọn thế này thôi: lúc nào gọi là con người sinh ra, con người sinh ra là phải có tên, người ta sống ở đâu, lúc nào thì người ta có cái gọi là quyền giao dịch dân sự, thế thôi! Còn tên anh như thế nào thì đã có luật chuyên ngành điều chỉnh”. 
Không chỉ bà Thoa, nhiều chuyên gia cũng cho rằng BLDS sửa đổi chỉ nên quy định khái quát về quyền nhân thân, không nên quy định lại các quyền nhân thân đã được ghi nhận trong Hiến pháp mà chỉ nên quy định một số quyền nhằm xác định tư cách chủ thể của cá nhân trong quan hệ dân sự như quyền về họ, tên, nơi cư trú và một số quyền nhân thân đặc thù không quy định cụ thể trong Hiến pháp như quyền xác định lại giới tính, quyền đối với hình ảnh, quyền được khai sinh, khai tử...
Theo kế hoạch của Chính phủ, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo BLDS sửa đổi sẽ được tiếp tục thực hiện đến hết ngày 5/4/2015. 
BLDS hiện hành quy định 26 quyền nhân thân (từ Điều 26 đến Điều 51) như: quyền đối với họ, tên; quyền xác định dân tộc; quyền được khai sinh; quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khoẻ, thân thể… 
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc BLDS quy định mang tính liệt kê về quyền nhân thân vừa không bao quát được đầy đủ các quyền, lợi ích nhân thân của cá nhân, vừa không bảo đảm tính ổn định trong quy định của Bộ luật.

Đọc thêm