Chủ động chống phân tán trong đào tạo các chức danh tư pháp

(PLO) - Ngày 5/3, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã có buổi làm việc tại Học viện Tư pháp để nghe báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Học viện. 
Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và các đại biểu tại buổi làm việc.
Bộ trưởng Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu và các đại biểu tại buổi làm việc.

Cùng dự có Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ, Trường Đại học Luật Hà Nội, các Vụ: Tổ chức cán bộ, Kế hoạch – tài chính, Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thi hành án dân sự…

Cạnh tranh đào tạo ngày càng gia tăng

Báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Học viện trong năm 2015, Giám đốc Học viện Tư pháp Đỗ Đức Hồng Hà đề cập chủ yếu đến việc triển khai Đề án xây dựng Học viện thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp theo Quyết định số 2083/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, Học viện đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Dự án Pháp lệnh Đào tạo một số chức danh tư pháp dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong phiên họp tháng 3/2016; phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ hoàn thành xây dựng và trình Bộ trưởng ký các quyết định về việc thành lập Hội đồng Phối hợp đào tạo nguồn thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư, về việc thành lập Ban Thư ký giúp việc cho Hội đồng.

Học viện cũng thực hiện xây dựng dự thảo chương trình khung đào tạo nguồn bổ nhiệm thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu, hồ sơ tình huống đào tạo một số chức danh tư pháp; chương trình bồi dưỡng nâng cao trình độ, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho luật sư, công chứng viên.

Bên cạnh đó còn chuẩn bị nghiên cứu, đề xuất mã ngành đào tạo, xác định vị trí của Học viện Tư pháp trong hệ thống giáo dục quốc dân và triển khai Dự án công trình xây dựng cơ sở Học viện Tư pháp tại TP HCM. Riêng công tác đào tạo, bồi dưỡng năm 2015, Học viện đã đào tạo được 5.657 học viên các chức danh tư pháp và tổ chức bồi dưỡng cho 3.789 lượt người.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc như quy mô đào tạo chỉ đạt hơn 50% và giảm hơn nữa nếu xác định theo chỉ tiêu cho năm 2016 trở đi; một số viên chức, người lao động chưa an tâm công tác khi nhiệm vụ chính trị của Học viện Tư pháp bị ảnh hưởng…

Không những vậy, ông Hà thẳng thắn cho biết, cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo chức danh tư pháp ngày càng gia tăng và Học viện không có nhiều lợi thế về khả năng sử dụng sau đào tạo. “Đào tạo thẩm phán dừng lại nhưng không có sự công khai trong quan hệ công tác, đào tạo kiểm sát viên tiếp tục gửi lại song với số lượng hạn chế và chưa rõ ràng trong việc cấp ngân sách phục vụ đào tạo các chức danh này” – ông Hà bày tỏ.

Tự tìm đường tiến lên

Sau báo cáo của ông Hà, Ban Giám đốc Học viện và Trưởng các đơn vị thuộc Học viện giải trình thêm một số nội dung mà Bộ trưởng yêu cầu. Phó Giám đốc Học viện Nguyễn Xuân Thu nêu quan điểm, nhiều chỉ tiêu tại Quyết định 2083 là cao so với thực tiễn, cần được đánh giá, điều chỉnh lại sau một thời gian triển khai.

Chẳng hạn, việc thu hút những người đang giữ chức danh tư pháp về làm giảng viên cơ hữu tại Học viện gặp không ít khó khăn do Học viện được cho là không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, không có thu nhập cao. 

Đồng tình với ông Thu, Trưởng khoa Đào tạo kiểm sát viên Nguyễn Văn Điệp cho biết, Học viện cũng thu hút được một số giảng viên đang giữ chức danh tư pháp gồm 1 thẩm phán, 5 kiểm sát viên và 4 luật sư. Con số này khá khiêm tốn bởi nhận thức rằng về Học viện sẽ chuyển từ công chức thành viên chức, chế độ chính sách giảm đi.

Một vị Trưởng khoa lại phân tích, theo Quyết định 2083 sẽ đào tạo 7 chức danh tư pháp khác, trong đó có hộ tịch viên, nhưng Luật Hộ tịch không quy định điều kiện bổ nhiệm hộ tịch viên thì cần phải qua đào tạo…

Lắng nghe các ý kiến phát biểu, Bộ trưởng Hà Hùng Cường chia sẻ sự thay đổi trong lãnh đạo Học viện vừa qua cũng như một số yếu điểm của Học viện trong bối cảnh hiện nay. Ngoài các nội dung yêu cầu giải trình, Bộ trưởng đề nghị Học viện phải xác định mục tiêu cụ thể trong năm, đánh giá kết quả đạt được và chưa đạt được, lý giải được nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và giải pháp khắc phục.

Trăn trở với những công việc dở dang theo Quyết định 2083, Bộ trưởng nhìn nhận khó có thể chống lại được xu hướng phân tán trong đào tạo các chức danh tư pháp, từ đó yêu cầu Học viện Tư pháp phải chủ động tìm con đường đi để tự tiến lên, phải tăng cường đoàn kết trong Ban Giám đốc Học viện, tích cực phối kết hợp với các đơn vị thuộc Bộ.

Đặc biệt, qua những chuyến công tác thực tế, Bộ trưởng chỉ đạo Học viện cần tham khảo kinh nghiệm của các nước có mô hình Học viện Tư pháp nhằm nâng cao vị thế của Học viện Tư pháp Việt Nam./.

Đọc thêm