Chủ sở hữu 'bỏ mặc' phương tiện vi phạm có thể xem là hành vi từ bỏ quyền sở hữu tài sản

(PLVN) - Thời gian qua, nhiều phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về số lượng lớn các phương tiện giao thông đường bộ bị tạm giữ do vi phạm hành chính. Từ đó dẫn đến tình trạng quá tải của các bãi trông giữ phương tiện vi phạm tại các địa phương ngày càng tăng lên, để kéo dài nhiều năm nay, chậm được xử lý, gây lãng phí lớn đối với tài sản của xã hội. 
Rất nhiều chiếc xe vi phạm bị tạm giữ đã quá thời hạn xử lý.
Rất nhiều chiếc xe vi phạm bị tạm giữ đã quá thời hạn xử lý.

Trước thực trạng này, ngoài tăng cường công tác quản lý thì còn đòi hỏi phải khẩn trương hoàn thiện pháp luật có liên quan về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Hơn 212 nghìn phương tiện quá hạn tạm giữ

Để giải quyết tình trạng trên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo, có biện pháp giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật, không để lặp lại.

Ngày 25/6/2018, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5967/VPCP-PL thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, trong đó giao Bộ Tư pháp thành lập Đoàn công tác liên ngành, bao gồm lãnh đạo các đơn vị chức năng có liên quan của Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ để trực tiếp đôn đốc, kiểm tra, nắm tình hình và kết quả thực hiện cụ thể tại các địa phương.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Bộ Tư pháp có Công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình và kết quả thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thành lập Đoàn công tác liên ngành tiến hành việc kiểm tra, nắm bắt tình hình và kết quả thực hiện công tác xử lý phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính tại một số địa phương là TP Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Đồng Nai.

Trên cơ sở tổng hợp báo cáo của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kết quả kiểm tra trực tiếp tại một số địa phương, Bộ Tư pháp đã có Báo cáo số 267/BC-BTP gửi Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo cho hay, tổng số phương tiện đang được quản lý tại các điểm trông giữ phương tiện vi phạm trong cả nước là 252.671 phương tiện.

Trong đó, có 212.242 phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ; số phương tiện quá thời hạn tạm giữ đủ điều kiện để trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý và sử dụng hợp pháp là: 44.072 phương tiện; số phương tiện quá thời hạn tạm giữ bị tịch thu sung công là: 91.447 phương tiện.

Hiện còn gần 75 nghìn phương tiện quá thời hạn tạm giữ bị tồn đọng tại các điểm trông giữ, chưa được xử lý. Đồng thời, Báo cáo cũng phân tích những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện, đưa ra đề xuất, kiến nghị liên quan đến công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện và đặc biệt là việc hoàn thiện nhiều quy định có liên quan của Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), Nghị định số 115/2013/NĐ-CP, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, Thông tư số 02/2016/TT-BCA của Bộ Công an... 

Phải xử lý để không tạo gánh nặng cho xã hội

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như vừa nêu. Đáng chú ý, Bộ đã thẳng thắn phân tích nguyên nhân của thực trạng trên là xuất phát từ các quy định pháp luật về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính còn nhiều bất cập.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc về pháp luật, Bộ dự kiến hoàn thiện một số quy định về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lần sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC năm 2012 tới đây. Cụ thể, đề xuất bỏ quy định về việc phải thuê tổ chức bán đấu giá trên địa bàn tỉnh nơi xảy ra hành vi vi phạm để thực hiện việc bán đấu giá; sửa đổi việc thành lập hội đồng xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu.

Đồng thời, đề xuất rút ngắn thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ trong trường hợp phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ mà người vi phạm không đến nhận (không có lý do chính đáng) hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm để cơ quan có thẩm quyền có thể nhanh chóng tiến hành các thủ tục bán đấu giá, thanh lý tang vật, phương tiện vi phạm.

Bàn về dự kiến sửa đổi, bổ sung trên, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến gợi ý nên chăng phân loại các tang vật, phương tiện vi phạm theo giá trị tang vật nhằm bảo đảm tuân thủ thời hạn xử lý tang vật bởi trong một số trường hợp tang vật có giá trị cao thì thời gian thông báo bị rút ngắn có thể chưa đủ để chủ sở hữu/người vi phạm biết được.

Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý Nguyễn Văn Cương thì đồng tình cần thiết phải sửa đổi quy định về xử lý tang vật, phương tiện vì pháp luật không thể khuyến khích người lười (người bỏ mặc tài sản đã quá hạn xử lý mà họ là chủ sở hữu). Trong trường hợp đó có thể xem là hành vi từ bỏ quyền sở hữu tài sản tại Điều 239 Bộ luật Dân sự năm 2015 và cần có cách xử lý dứt khoát để không tạo gánh nặng cho xã hội.

Đọc thêm