Chức năng, nhiệm vụ ngành Tòa án sẽ sửa đổi như thế nào?

(PLO) - Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp mới, trong đó xác định TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 
Hội thảo góp ý đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)
Hội thảo góp ý đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)
Việc Hiến pháp xác định rõ hơn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của TAND như trên sẽ được cụ thể hóa như thế nào trong Luật Tổ chức TAND sửa đổi tới đây?.
Tòa án là “cơ quan thực hiện quyền tư pháp”
Phát biểu tại Hội thảo góp ý đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) hôm qua (28/2), Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cho rằng, ngoài việc xác định TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp thì Hiến pháp 2013 cũng đã bổ sung nhiều nội dung mới, quan trọng về tổ chức và hoạt động của TAND, về thẩm quyền bổ nhiệm thẩm phán TANDTC và thẩm phán các Tòa án khác… 
Đây là những nội dung lớn, cần được cụ thể hóa trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Luật phải xác định đúng, đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND với tư cách là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp theo đúng tinh thần của Hiến pháp.  
Đánh giá cao việc Hiến pháp 2013 quy định rõ Tòa án là “cơ quan thực hiện quyền tư pháp”, PGS, TS Bùi Xuân Đức - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Mặt trận, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng, nhiệm vụ của Luật Tổ chức TAND lần này phải quy định rõ nội hàm của quyền này như thế nào để toát lên tinh thần mới của Hiến pháp nhằm đổi mới toàn diện tổ chức và hoạt động của hệ thống TAND. 
Theo PGS, TS Bùi Xuân Đức, chỉ có Tòa án mới thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan tư pháp. Hoạt động điều tra; quyền công tố cũng như thi hành án, bổ trợ tư pháp không phải là phạm vi của quyền tư pháp; đặt Tòa án là trung tâm, độc lập, tự kiểm soát bằng pháp luật và cơ chế tranh tụng, nhiều cấp xét xử, công khai, công lý. 
Điều chỉnh lại mối quan hệ giữa TAND và VKSND: Tòa án là cơ quan tư pháp độc lập, không còn chịu sự giám sát một chiều của Viện kiểm sát. Xác lập sự giám sát của Tòa án đối với các hoạt động quyền lực nhà nước và “hoạt động có tính chất tư pháp” theo nghĩa rộng…
Nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Tú cũng cho rằng, việc Hiến pháp quy định Tòa án là “cơ quan thực hiện quyền tư pháp” là nội dung mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm phân định quyền lực nhà nước. Đây là cơ sở pháp lý để giao cho TAND có thẩm quyền giải quyết những loại vụ việc liên quan đến việc hạn chế quyền nhân thân của công dân, mà có những loại việc hiện đang do cơ quan hành chính thực hiện như: Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc quyết định đưa người vào trung tâm giáo dưỡng, cai nghiện…. 
Hệ thống TAND được tổ chức theo 4 cấp
Dự thảo có quy định về việc hệ thống TAND được tổ chức theo 4 cấp (TANDTC; TAND cấp cao; TAND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; TAND sơ thẩm khu vực) đã nhận được sự đồng tình của khá nhiều đại biểu. Đánh giá về quy định này, PGS. TS Nguyễn Tất Viễn - Ủy viên chuyên trách, Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương - cho rằng: Việc tổ chức hệ thống tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính sẽ là bước ngoặt quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong đổi mới tổ chức và hoạt động của TAND. 
Điều này phù hợp với nguyên tắc của một nền tư pháp tiên tiến, phù hợp với tính chất, đặc điểm của tổ chức chính quyền tư pháp. Tổ chức Tòa án theo cấp xét xử nhằm để mỗi cấp Tòa chủ yếu thực hiện chức năng của một cấp xét xử: sơ thẩm hoặc phúc thẩm, là điều kiện quan trọng để thực hiện việc phân công nhiệm vụ rành mạch giữa các cấp Tòa án, đảm bảo thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử…
Bà Lê Thị Thu Ba - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương - cũng cho rằng, việc tổ chức Tòa án theo 4 cấp là vấn đề xuyên suốt của cải cách tư pháp, góp phần đảm bảo sự độc lập của Tòa án. Ngoài ra, cũng có quy định phù hợp để đảm bảo sự độc lập của Tòa án đối với cả Tòa án cấp trên chứ không chỉ độc lập với cơ quan hành chính. Ví dụ như biên chế của các Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, hoặc kinh phí hoạt động của các Tòa thì do Quốc hội phân bổ…
Thẩm phán và Hội thẩm phải thực sự độc lập
Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, ngoài việc phải xác định đúng, đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của TAND thì Luật cần phải xác định địa vị pháp lý của Tòa án, Thẩm phán, các chức danh tư pháp của Tòa án, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động, việc đảm bảo hoạt động của Tòa án phải được xử lý theo đúng tính chất, đặc điểm riêng có và đặc thù của cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp.  
Đó là các nguyên tắc về bảo đảm sự độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm khi xét xử; các Tòa án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính; TAND là cơ quan xét xử cao nhất, thực hiện quyền tư pháp; nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm trong xét xử; Thẩm phán TANDTC do Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm, Chủ tịch nước bổ nhiệm Thẩm phán của các Tòa án; Thẩm phán được bổ nhiệm không thời hạn hoặc kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán; nâng cao tiêu chuẩn, trách nhiệm của Thẩm phán và các chức danh tư pháp khác của Tòa án; bảo đảm chế độ chính sách đặc biệt đối với Thẩm phán phù hợp với vai trò, địa vị pháp lý của Thẩm phán - là những người được giao nhiệm vụ xét xử, thực hiện quyền tư pháp; địa vị pháp lý của Hội thẩm, việc tham gia xét xử của Hội thẩm với tư cách là đại diện quyền lực của nhân dân trong hoạt động xét xử; TANDTC có quyền trình hoặc có ý kiến của mình trước Quốc hội về dự án ngân sách của Tòa án…

Đọc thêm