Chứng minh nhân dân sẽ dùng thay hộ khẩu

(PLO) - Vì trên Chứng minh nhân dân có thông tin về nơi thường trú của công dân nên về lâu dài, Chính phủ cho rằng có thể nghiên cứu tiến tới dùng Chứng minh nhân dân thay cho sổ hộ khẩu.
Chứng minh nhân dân sẽ dùng thay hộ khẩu
“Sao nhiều loại giấy tờ thế?”
Theo Dự thảo Luật Căn cước, Chứng minh nhân dân (CMND) là thẻ căn cước của công dân Việt Nam và là giấy tờ tùy thân duy nhất có giá trị chứng nhận căn cước của người từ 15 tuổi trở lên, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân. CMND để sử dụng trong giao dịch, đi lại trên lãnh thổ Việt Nam. Do đó, Dự thảo Luật quy định về nội dung CMND phản ánh được các thông tin cơ bản về căn cước của công dân phục vụ cho giao dịch, đi lại nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân. 
Trên CMND có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó về lâu dài, Chính phủ cho rằng có thể nghiên cứu tiến tới dùng CMND thay cho sổ hộ khẩu. Trên CMND cũng có thông tin về họ và tên khai sinh, họ và tên gọi khác, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, dân tộc. 
Dự thảo Luật không hạn chế người làm thủ tục cấp CMND, kể cả người đang bị tạm giữ, tạm giam; đang chấp hành án phạt tù; đang chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình. Quy định này nhằm bảo đảm quyền được cấp CMND của công dân để phục vụ giao dịch, đi lại.
Các thông tin này trên CMND được tích hợp từ giấy khai sinh và các giấy tờ liên quan khác nên công dân có thể sử dụng CMND để chứng minh các thông tin này trong giao dịch, đi lại mà không cần phải mang các giấy tờ khác liên quan. 
Trên CMND có bộ phận điện tử lưu trữ một số thông tin cơ bản về căn cước và thông tin khác từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của người được cấp CMND để làm cơ sở tích hợp các thông tin cần thiết trên CMND theo hướng trong thời gian tới đây là Thẻ công dân điện tử.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề: Có nên thay CMND bằng Thẻ căn cước vì CMND thì chỉ có số định danh, ngày sinh, quê quán? Ông Lý cũng lưu ý Dự luật phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp nhưng cũng không được “chạm” đến những bí mật về đời tư cá nhân.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình: “Tôi cho rằng nghiên cứu Thẻ căn cước công dân để thay thế hộ khẩu là tiến bộ. Với dãy số định danh ghi trên thẻ, chỉ cần tra trên máy là có hết thông tin cha mẹ, con cái, quan hệ..., không cần sổ hộ khẩu nữa. Trên thế giới người ta đều quản lý như vậy cả”. 
Đặc biệt, sau khi phân tích về vai trò của Thẻ căn cước công dân trong đời sống, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tỏ rõ sự không hài lòng khi “Ở ta lắm loại giấy tờ, lắm loại thẻ thế? Sổ hộ khẩu, sổ hộ tịch, giấy khai sinh, CMND, bây giờ các đồng chí nói có Thẻ căn cước công dân rồi lại có Thẻ công dân điện tử nữa... Lẽ ra tôi là công dân tôi chỉ cầm một cái thẻ thôi, quản lý là việc của Nhà nước, ông muốn điện tử thì ông làm điện tử rồi ông cắm vào là nó ra hết thông tin”. 
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công an và Bộ Tư pháp rà soát xem quan hệ của các loại thẻ như thế nào, ra cái thẻ mới phải thay thế được nhiều loại giấy tờ cũ. “Tóm lại, mỗi công dân có một số định danh, một sổ dữ liệu chung và một Thẻ căn cước. Khi toàn dân có Thẻ căn cước rồi thì Thẻ này có thể thay cho hộ khẩu” - Chủ tịch Quốc hội gợi ý.
Thời hạn sử dụng CMND tùy theo độ tuổi
Pháp luật về căn cước công dân hiện hành quy định thời hạn sử dụng của CMND là 15 năm, kể từ ngày cấp. Tuy nhiên, quy định này chưa phù hợp với công dân ở từng độ tuổi khác nhau, do ở mỗi độ tuổi khác nhau thì mức độ thay đổi về đặc điểm nhân dạng là khác nhau. 
Do đó, Dự thảo Luật quy định theo hướng thời hạn sử dụng của CMND tương thích với từng độ tuổi nhất định; trong đó, thời hạn sử dụng CMND kể từ ngày cấp là 10 năm đối với người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi, 15 năm đối với người từ đủ 25 tuổi đến dưới 55 tuổi. Người từ đủ 55 tuổi trở lên thì không xác định thời hạn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, nếu không xác định thời hạn sử dụng đối với người 55 tuổi trở lên thì cũng chưa hợp lý vì giai đoạn này, con người cũng có nhiều thay đổi. 
Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị cần làm rõ căn cứ cũng như tác động của sự thay đổi này đến xã hội để đạt được sự đồng thuận, và quan trọng là thuận lợi nhất cho người dân.,.

Đọc thêm