Chuyên nghiệp hóa đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch

(PLO) - Đổi mới trình tự, thủ tục, phương thức đăng ký hộ tịch với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin đem lại những tiện ích tối ưu cho người dân. Ngoài hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp, yếu tố con người cũng đóng vai trò đặc biệt quan trọng. 
Vẫn còn cảnh rồng rắn xếp hàng chờ làm thủ tục hành chính
Vẫn còn cảnh rồng rắn xếp hàng chờ làm thủ tục hành chính
Dự án Luật Hộ tịch đã quy định nhiều vấn đề mới về công chức tư pháp - hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng hơn.
Gần 9 ngàn công chức chuyên trách hộ tịch ở cấp xã
Theo báo cáo tổng kết công tác hộ tịch của Bộ Tư pháp, đội ngũ cán bộ công chức làm công tác hộ tịch hiện nay ở cấp Sở (Phòng Hành chính tư pháp) có trung bình từ 03 đến 04 công chức (2 thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có số công chức nhiều hơn). 
Tại UBND cấp huyện hiện không có công chức chuyên trách về hộ tịch mà công tác hộ tịch do công chức của Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện kiêm nhiệm. Biên chế bình quân hiện nay của các Phòng Tư pháp (ngoại trừ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh) có từ 3-4 công chức.  
Tại UBND cấp xã, hiện tại trong cả nước có 16.820 cán bộ làm công tác hộ tịch trên tổng số 11.118 đơn vị hành chính cấp xã (trong đó có 15.249 công chức tư pháp - hộ tịch và 1.571 cán bộ hợp đồng). 
Mặc dù theo Bộ Tư pháp, hiện tại chưa có văn bản nào quy định chức danh Hộ tịch chuyên trách mà chỉ có chức danh công chức tư pháp - hộ tịch, nhưng trên thực tế, do sự quá tải về công tác tư pháp và công tác hộ tịch nên nhiều địa phương đã vận dụng bố trí 2 công chức tư pháp - hộ tịch, trong đó một công chức chuyên làm công tác tư pháp, một công chức chuyên làm công tác hộ tịch (có 8.683 công chức chuyên trách làm công tác hộ tịch, chiếm 57% trên tổng số công chức tư pháp - hộ tịch); 6.566 công chức kiêm nhiệm công tác tư pháp và hộ tịch (chiếm 43% trong tổng số công chức tư pháp - hộ tịch) và 1.571 cán bộ hợp đồng.  
Trong số công chức tư pháp - hộ tịch nói trên có 27%  có trình độ Đại học Luật, 50% có trình độ Trung cấp Luật, còn lại là chuyên môn khác . Số công chức tư pháp - hộ tịch có thời gian làm công tác tư pháp - hộ tịch trên 5 năm là 54%, số còn lại đảm nhiệm công việc này dưới 5 năm .
Tại các cơ quan đại diện, mỗi cơ quan đại diện có ít nhất 01 cán bộ làm công tác lãnh sự trong đó có công tác hộ tịch, cá biệt có những nơi công tác lãnh sự nhiều và đa dạng, đông bà con Việt Nam làm ăn, sinh sống còn bố trí tới 2 hoặc nhiều cán bộ làm công tác lãnh sự.
Phải có trình độ trung cấp luật trở lên
Như vậy, với thống kê nói trên, tính bình quân hiện nay mỗi xã, phường, thị trấn trong cả nước có 1,5 cán bộ làm công tác hộ tịch. Như vậy, ngoài những xã, phường, thị trấn có 02 công chức tư pháp - hộ tịch, trong đó có 01 công chức chuyên trách về hộ tịch, thì với những nơi chưa bố trí được công chức chuyên trách về hộ tịch, họ sẽ phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau.  
Vấn đề này, Báo cáo tổng kết công tác hộ tịch của Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ: Hiện nay, ở các xã, phường, thị trấn, công chức tư pháp - hộ tịch ngoài việc tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn còn phải đảm nhiệm 12 đầu việc, trong đó có việc đăng ký và quản lý hộ tịch. Trong khi đó trên thực tế, tính chất chuyên môn của công tác hộ tịch và các công tác tư pháp khác (công tác văn bản, tuyên truyền pháp luật, hòa giải…) rất khác nhau, không phù hợp với việc ghép chung một cách cơ học hai loại nhiệm vụ này trong cùng một chức danh tư pháp - hộ tịch. 
Cũng chính vì phải kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau nên công chức tư pháp - hộ tịch không có thời gian đầu tư cho việc nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn cũng như cập nhật kịp thời những văn bản mới. Cũng từ nguyên nhân này mà đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch không được chuyên nghiệp. 
Mặt khác, công chức tư pháp - hộ tịch là vị trí dễ bị thay đổi theo nhiệm kỳ của Ủy ban nhân dân nên chuyên môn bị hạn chế do không được bồi dưỡng nghiệp vụ kịp thời. Đây chính là nguyên nhân làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hộ tịch. 
Cũng như công chức tư pháp - hộ tịch, các cán bộ lãnh sự làm công tác hộ tịch tại các cơ quan đại diện cũng không ổn định (do được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ) nên phần nào hạn chế đến công tác chuyên môn, trong khi nghiệp vụ về hộ tịch, quốc tịch đòi hỏi phải chuyên sâu, điều này đã ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém của đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch hiện nay, Dự thảo Luật luật hóa các quy định tại Nghị định số 158/2005/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chuẩn của đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch theo hướng chuyên nghiệp và tăng cường khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này, đồng thời quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và những điều công chức tư pháp - hộ tịch không được làm.
Cụ thể, công chức tư pháp - hộ tịch phải có đủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và phải có các tiêu chuẩn: Có trình độ từ trung cấp luật trở lên và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ hộ tịch; có chữ viết rõ ràng và trình độ tin học phù hợp theo yêu cầu công việc.
Giải quyết khó khăn về cán bộ cho địa phương
So với nhiều năm trước, đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch đã được củng cố, kiện toàn về cả số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, đối với nhiều địa bàn, tình trạng thiếu cán bộ hộ tịch còn rất phổ biến. Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Nguyễn Khắc Chử cho biết, ở cấp huyện của Lai Châu  hiện nay 8 phòng tư pháp có 31 cán bộ. 108 xã, phường, thị trấn đã có 158 công chức tư pháp - hộ tịch, trong đó có 44 xã, phường, thị trấn đã bố trí được 2 công chức tư pháp - hộ tịch. 
Tuy nhiên, theo nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh thì: “Do khối lượng công việc lớn và không ngừng được bổ sung nhiều lĩnh vực mới, trong khi đó thể chế, cơ chế chính sách, pháp luật để bảo đảm thực thi ban hành không kịp thời, khó khả thi; biên chế, kinh phí không được bổ sung tương xứng; đội ngũ công chức, viên chức làm công tác tư pháp, thi hành án dân sự từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu về số lượng, đặc biệt là công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã còn hạn chế về năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Tại Điện Biên, mặc dù có 67/130 xã đã bố trí được 2 công chức tư pháp - hộ tịch, song theo Giám đốc Sở Tư pháp Lê Đình Thu thì: “Tư pháp được giao thêm nhiệm vụ nhưng không được giao thêm biên chế nên cũng gặp khó khăn”. Ông Thu đề nghị Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ sớm hoàn thiện, ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 01 Bộ Tư pháp- Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác tư pháp của UBND cấp xã vì hiện công tác tư pháp đã được bổ sung nhiều nhiệm vụ; đặc biệt bổ sung biên chế cho tư pháp, trong đó có Điện Biên, nhất là tư pháp các huyện, xã mới chia tách, thành lập. Đây cũng là kiến nghị của UBND tỉnh Điện Biên và của nhiều địa phương khác.
Bên cạnh việc bổ sung biên chế, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hộ tịch cơ sở cũng được đặt ra trong giai đoạn mới, khi mà Luật Hộ tịch được ban hành đòi hỏi sự chuẩn hóa về trình độ cán bộ ngay từ đầu vào cũng như khả năng ứng dụng công nghệ thông tin một cách mạnh mẽ để phục vụ người dân tốt hơn.

Đọc thêm