Chuyện “ông Thếnh mộc hòa giải”

(PLO) - Tham gia công tác hòa giải từ năm 1998, với tinh thần làm việc hăng say, có trách nhiệm, luôn bám sát địa bàn để hiểu rõ nguồn gốc của mâu thuẫn, tranh chấp trước khi tiến hành hòa giải, ông Phạm Dương Thếnh - Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Bích Chu (xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) luôn được người dân tín nhiệm và tin tưởng. 
Đọc sách pháp luật để giải hòa
Là người con sinh ra tại quê hương Bích Chu có nghề mộc truyền thống lâu đời,  năm 1972 đi bộ đội vào Nam chiến đấu, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, năm 1977 thương binh Phạm Dương Thếnh trở về chuyển ngành công tác tại Đội xây dựng huyện Vĩnh Tường. 
Để giữ gìn và phát triển nghề mộc truyền thống lâu đời của thôn, của gia đình, năm 1982 ông tham gia Hợp tác xã mộc của thôn. Năm 1997 ông được bầu làm Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn Bích Chu. 
Tổ hòa giải thôn Bích Chu có 5 thành viên gồm đại diện Ban công tác Mặt trận, Hội Nông dân, Người cao tuổi, Phụ nữ, Thanh niên do ông Thếnh làm Tổ trưởng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ hoà giải, ông Thếnh đã xây dựng quy chế hoạt động của Tổ, phân công trách nhiệm cho các thành viên trong Tổ nắm bắt những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh. 
Tổ thường xuyên tiến hành sinh hoạt để thông qua tình hình công tác ở địa phương, nắm bắt mâu thuẫn xảy ra, những vụ việc hòa giải được, những vụ việc không hòa giải được để có hướng giải quyết và có các biện pháp thích hợp để ngăn chặn các vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong thôn. 
Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hòa giải, ông Thếnh luôn có ý thức, trách nhiệm trong việc giải quyết mâu thuẫn, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho mọi nhà. Ông cho biết: “Khi được Đảng tin, nhân dân tín nhiệm bầu tôi làm Trưởng thôn – Tổ trưởng Tổ hòa giải, tôi rất phấn khởi, tích cực tham gia công tác, luôn cố gắng  để hoàn thành tốt nhiệm vụ”. 
Để nâng cao hiệu quả trong công tác hòa giải, ông Thếnh luôn tích cực đọc sách, báo tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu pháp luật liên quan đến hòa giải cơ sở qua Tủ sách pháp luật ở cơ sở, đồng thời tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải do tỉnh, huyện tổ chức. 
Với kiến thức được tập huấn và nghiên cứu qua Tủ sách pháp luật ở cơ sở, ông Thếnh thường xuyên tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân thực hiện tốt mọi chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật; vận động các gia đình ký cam kết không có người mắc tệ nạn xã hội, chấp hành, thực hiện tốt hương ước của địa phương.
Hòa giải kịp thời, cân bằng tình - lý
Hễ trong thôn có mâu thuẫn, bất đồng là người dân báo ngay cho Tổ hòa giải. Khi đó ông Thếnh cùng các thành viên của Tổ có mặt kịp thời để giải tỏa những bất hòa trong gia đình hay mâu thuẫn, xích mích nảy sinh giữa người dân với nhau. Ông Thếnh cho biết: “Mỗi thành viên của Tổ được phân công phụ trách một địa bàn, vì vậy khi có mâu thuẫn phát sinh đều được phát hiện và giải quyết kịp thời”.  
Quan điểm hòa giải của ông Thếnh là “Hoà giải phải luôn khôn khéo, có tình, có lý”.  Khi thực hiện nhiệm vụ của mình, ông Thếnh luôn dựa vào đạo đức xã hội để phân tích, khuyên nhủ các bên ứng xử phù hợp với chuẩn mực đạo đức, tình làng, nghĩa xóm. 
Cùng với việc giải thích, thuyết phục các bên ứng xử phù hợp với các quy tắc đạo đức xã hội, ông Thếnh còn dựa vào pháp luật để phân tích, tư vấn pháp luật, đưa ra những lời khuyên và hướng dẫn các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật. Ông cho rằng: “Muốn hòa giải tốt các vụ việc xảy ra, ngoài việc có tình thì hòa giải viên phải là người am hiểu pháp luật, phải có kinh nghiệm trong công tác hòa giải”.
Nhiệt tình, trách nhiệm
Hàng năm ông Thếnh cùng các thành viên của Tổ đã tiến hành hoà giải nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong thôn từ những xích mích nhỏ như tát nước qua ruộng nhà nhau hay chuyện chửi bới do mất con gà, đến những mâu thuẫn lớn hơn như bạo hành gia đình, tranh chấp giữa hàng xóm láng giềng với nhau về ranh giới liền kề… 
Ông luôn trăn trở suy nghĩ trước những mâu thuẫn, xích mích để làm sao “to vo thành nhỏ, nhỏ bỏ thành không”.  Có những vụ việc ông Thếnh cùng các thành viên của Tổ phải vất vả, đi lại nhiều lần nhưng với tinh thần làm việc hăng say, có trách nhiệm nên hầu hết những mâu thuẫn đều được hoà giải thành. 
Đối với tranh chấp phức tạp, mâu thuẫn giữa các bên gay gắt, có thể gây hậu quả ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong địa bàn thôn, ông Thếnh mời tất cả thành viên trong Tổ họp, phân tích vụ việc, bàn cách giải quyết và tìm người thích hợp để tiến hành hòa giải giữa các bên. Tùy từng trường hợp hòa giải, ông còn mời thêm người trong nội tộc dòng họ có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu, có uy tín, nhiệt tình, có trách nhiệm với cộng đồng dân cư cùng tham gia hoà giải. 
Ngoài những vụ việc mâu thuẫn trong thôn, ông Thếnh cùng các thành viên của Tổ còn kết hợp với các Tổ hòa giải thôn khác hòa giải nhiều mâu thuẫn, xích mích mà các đương sự ở các cụm dân cư khác nhau.
Ghi nhận những thành tích đạt được trong công tác hòa giải, năm 2004 ông Thếnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen có nhiều thành tích trong công tác hòa giải  ở cơ sở giai đoạn 1998-2003; năm 2008 ông được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong thực hiện Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải cơ sở (1998-2008). 
Ngoài ra, ông còn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Vĩnh Tường tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen trong lao động sản xuất, trong làm đường giao thông nông thôn, trong công tác tuyển quân, công  tác xây dựng Đảng… Chi bộ thôn Bích Chu nhiều năm liền đạt danh hiệu Chi bộ trong sạch, vững mạnh.
Với những việc đã làm được, ông Thếnh cùng các thành viên Tổ hòa giải thôn Bích Chu luôn được người dân tín nhiệm và tin tưởng, góp phần tích cực trong việc giữ gìn đoàn kết, phát huy tình cảm, đạo lý tốt đẹp trong gia đình và cộng đồng dân cư. 

Đọc thêm