Có nên quy định khung tiền nộp bảo đảm thi hành án?

(PLO) - Chiều 6/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Trưởng ban đã chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án, việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp.
 Có nên quy định khung tiền nộp bảo đảm thi hành án?

Một trong những nội dung mới của BLHS năm 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 là bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại nhằm góp phần đáp ứng yêu cầu bức xúc của thực tiễn trong thời gian qua.

Để bảo đảm thực thi các quy định của BLHS, BLTTHS cũng bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại; các biện pháp cưỡng chế có thể áp dụng đối với pháp nhân thương mại đang bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử với những điều kiện áp dụng chặt chẽ với từng biện pháp, trong đó có buộc nộp một khoản tiền để đảm bảo THA và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính cho biết, dự thảo quy định tiền được nộp để bảo đảm THA là tiền Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ. Về mức tiền do còn có ý kiến nhau nên dự thảo xây dựng theo 2 phương án.

Phương án 1 quy định khung tiền nộp là từ 50 đến 80% của mức tiền phạt cao nhất quy định trong điều khoản của BLHS được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân.

Phương án 2 không quy định khung tiền nộp mà chỉ khống chế mức tối đa là không vượt quá mức phạt tiền cao nhất được quy định trong điều khoản của BLHS được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân.

Đối với mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được phân chia thành 3 trường hợp. Dự thảo cũng quy định thủ tục nộp tiền để bảo đảm THA qua hai hình thức nộp qua tài khoản và nộp tiền mặt.

Bà Vũ Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đề nghị cân nhắc thanh toán ngoại tệ để phù hợp với Pháp lệnh ngoại hối vì theo Pháp lệnh này giao dịch trong lãnh thổ VN thì sử dụng tiền Việt Nam, trừ trường hợp đặc biệt.

Tương tự, nên hạn chế thanh toán bằng tiền mặt vì hiện nay pháp nhân nào cũng có tài khoản tại ngân hàng. Nộp tiền mặt có thể gây rủi ro cho pháp nhân. Bà Lan cũng đề nghị nên có quy định nếu quá 7 ngày pháp nhân không nộp thì phải chịu hậu quả thế nào. 

Tuy nhiên, theo bà Đoàn Thị Thủy, Kho bạc nhà nước thì vì đây là tiền nộp chứ không phải giao dịch nên cho pháp nhân nộp cả tiền Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ. Đồng thời, cũng nên để pháp nhân lựa chọn thanh toán dùng tiền mặt hoặc chuyển khoản.

Còn theo ông Lê Thanh Thảo, Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính thì nên quy định mức phạt nên ở mức trần dưới, không nên quy định mức trần trên và nên quy định trên mức 50%. Ông Thảo cũng đồng tình trong thời hạn 7 ngày phải hoàn thành nếu quá thì phải bị phạt bao nhiêu % đó mà không phải “lửng lơ” như dự thảo.

Đại diện TANDTC thì cho rằng việc cho nộp tiền Việt Nam đồng không vi phạm pháp luật về ngoại hối xong quy chuẩn cuối cùng vẫn phải là Việt Nam đồng trong trường hợp nộp ngoại tệ. Đại diện này phân tích: chúng ta không chỉ có pháp nhân trong nước mà còn chi nhánh nước ngoài, tài khoản trong kho bạc chủ yếu là ngoại hối. Vì vậy nên cho họ lựa chọn. Về mức nộp, đại diện cho rằng không thể đưa mức 50 hay 80% mà nên theo phương án 2. 

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng yêu cầu Tổ biên tập ghi nhận, nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện một bước dự thảo để chuẩn bị việc thẩm định sắp tới. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo cố gắng kịp trình Chính phủ ban hành đảm bảo có hiệu lực đồng thời với BLHS, BLTTHS (từ 1/7/2016). 

Về việc nộp tiền bảo đảm THA, Thứ trưởng thống nhất trên lãnh thổ Việt Nam dùng tiền Việt Nam, vì thế nên quy định pháp nhân được nộp tiền Việt Nam (hợp pháp) cho nhất quán tuy nhiên khi báo cáo Chính phủ phải nói rõ vì sao không nộp tiền ngoại tệ.

Về mức nộp, Thứ trưởng thống nhất phương án thứ 2 để đảm bảo sự linh hoạt. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng minh bạch, tạo thuận lợi cho pháp nhân thương mại.

Đọc thêm